Tâm huyết của giáo viên mong sớm có Luật Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều giáo viên mong muốn Luật Nhà giáo sớm được ban hành. Báo GD&TĐ đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết của giáo viên ở Thanh Hóa.

Thầy giáo Vũ Thế Biên và học trò của mình trên lớp. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo Vũ Thế Biên và học trò của mình trên lớp. Ảnh: NVCC.

Luật Nhà giáo sẽ tác động đến đời sống giáo viên

Thầy Vũ Thế Biên - giáo viên Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa), nêu quan điểm: "Qua tìm hiểu các nội dung dự thảo liên quan đến việc xây dựng Luật Nhà giáo và tình hình giáo dục thực tế ở địa phương hiện nay, cho thấy rõ Đảng ta đã xác định giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của toàn dân và là Quốc sách hàng đầu.

Tôi cho rằng, trong sự nghiệp giáo dục, thì nhà giáo giữ vai trò then chốt, quyết định đến kết quả, chất lượng giáo dục, đặc biệt đối với chương trình GDPT hiện hành.

Vì vậy, ngoài các Thông tư, Nghị định và các Điều lệ liên quan đến Nhà giáo hiện nay, việc xây dựng Luật Nhà giáo trong hệ thống Luật Giáo dục là cần thiết”.

Cũng theo thầy Biên, giáo dục Việt Nam hiện nay đang trên đà đổi mới toàn diện. Đặc biệt là chương trình GDPT mới đòi hỏi giáo viên cần có sự thay đổi, đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân nhiều hơn.

Đồng thời, phải có lòng nhiệt huyết, yêu nghề, toàn tâm, toàn ý trong công tác của mình. Do đó, giáo viên nói riêng và nhà giáo nói chung cần được quan tâm theo hình thức nghề nghiệp đặc thù và như vậy cần phải có Luật Nhà giáo.

“Với sự đổi mới, phát triển và những yêu cầu thực tiễn đối với Ngành Giáo dục hiện nay có tác động rất lớn tới các mặt liên quan đến nhà giáo, như: Vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo; Tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; Tuyển dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo…vv.

Trước đây được quy định trong nhiều văn bản luật và dưới luật: Luật viên chức, cán bộ; Điều lệ trường THPT, các Thông tư, Nghị định… trong khi đó số lượng biên chế viên chức cả nước có đến khoảng 70% là viên chức nhà giáo. Vì vậy, đòi hỏi phải có những luật định riêng biệt đối với nhà giáo.

Thầy Vũ Thế Biên - giáo viên Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa) đang dạy Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: NVCC.

Thầy Vũ Thế Biên - giáo viên Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa) đang dạy Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: NVCC.

"Việc ban hành Luật Nhà giáo trong hệ thống Luật Giáo dục sẽ làm cho nhà giáo có niềm tin, tự tin, yêu nghề, sáng tạo và cống hiến nhiều hơn trong sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, trong các dự thảo liên quan đến Luật Nhà giáo thì các chế độ đãi ngộ, chế độ tiền lương của nhà giáo đã được quan tâm, đề cao và sẽ có thay đổi tích cực; Cải thiện đời sống của nhà giáo và cân bằng với mức thu nhập của xã hội hiện nay.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các nhà trường, các cơ sở giáo dục đặc biệt là vùng sâu, vùng xa sẽ được đầu tư, cải thiện nhằm đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay", thầy Biên nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Biên, việc xây dựng luật Nhà giáo còn nâng cao được vị thế, vai trò của nhà giáo; Phát huy được truyền thống “uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo” của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, còn tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để xây dựng phát triển đội ngũ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Mong Luật Nhà giáo sớm được ban hành

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.

Đón nhận thông tin này, thầy Nguyễn Văn Luyện - giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 1 (Hậu Lộc, Thanh Hóa), tâm sự: “Là một giáo viên 18 năm trong nghề, tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Luật Nhà giáo trước tiên sẽ tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thầy, cô giáo, khi đó sẽ hạn chế tối đa việc thầy, cô giáo bị đối xử bất công, tiêu cực, thiếu tôn trọng, không được bảo vệ”.

Thầy Nguyễn Văn Luyện - giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 1, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Văn Luyện - giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 1, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Cũng theo thầy Luyện, Luật Nhà giáo là nền tảng xây dựng môi trường văn hóa giáo dục theo một quy chuẩn, ở đó thầy phải ra thầy, dạy học vừa là trách nhiệm, vừa là tình thương, dạy chữ đi đôi với dạy người.

Hơn nữa, một khi làm việc theo luật, bản thân người thầy sẽ biết cần làm gì để giữ gìn nhân cách phẩm chất nhà giáo, trở thành tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo.

“Mong sao, Luật Nhà giáo sớm được ban hành và đi vào thực hiện. Khi có Luật Nhà giáo, chắc chắn nhiều thầy cô sẽ lo lắng, nào là khuôn khổ, nào là quy tắc. Song tôi tin, những giá trị tốt nhất đều bắt đầu từ luật.

Luật càng chuẩn, tính kỉ cương càng cao. Khi đó, thầy đích thực là thầy, cả về trí tuệ và nhân cách. Và khi làm đúng, làm tốt sứ mệnh của người thầy mà xã hội kỳ vọng, chúng ta hãy tin xã hội sẽ ghi nhận, phụ huynh biết ơn và học trò kính trọng các nhà giáo”, thầy Luyện chia sẻ.

“Là một giáo viên đang công tác tại trường THPT thuộc huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, bản thân tôi mong muốn luật Nhà giáo sẽ sớm được ban hành và áp dụng trong thời gian tới. Kỳ vọng luật Nhà giáo sẽ có tác động sâu rộng, tích cực đến mỗi cá nhân nhà giáo trong tương lai. Đồng thời, sẽ tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển và đổi mới của Ngành Giáo dục nước ta hiện nay”, thầy Vũ Thế Biên - giáo viên Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.