Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất nhiều chính sách căn cốt

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị đăng tải dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến trong thời gian 60 ngày.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều; trong đó khẳng định nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước và là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục.

Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà giáo góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Dự thảo luật cũng quy định chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Cụ thể:

Thứ nhất, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; huy động các nguồn lực xã hội cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Thứ hai, Nhà nước tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và xây dựng xã hội học tập.

Thứ ba, chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo, coi trọng nâng cao đạo đức và năng lực nghề nghiệp của nhà giáo.

Thứ tư, có chính sách ưu đãi để nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; chính sách thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; chính sách ưu đãi đối với nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt, nhà giáo là người dân tộc thiểu số;

Chính sách thu hút nhà giáo về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu.

Thứ năm, có chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Thứ sáu, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phát triển một số trường sư phạm trọng điểm.

Thứ bảy, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về nhà giáo.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Đề xuất về phương thức tuyển dụng và lương nhà giáo

Một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Nhà giáo là quy định về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng. Theo đó, dự thảo luật đề xuất:

Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác: do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo.

Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.

Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định cụ thể Điều này.

Theo dự thảo Tờ trình dự án Luật Nhà giáo gửi Chính phủ, các chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo được quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ”.

Đồng thời, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn... Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo quy định:

Thứ nhất, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù.

Thứ hai, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật;

Có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo; có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.

Các chính sách thu hút và ưu đãi như: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo, ưu tiên tuyển dụng,...

Ngoài ra, khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Để tăng cường thêm nguồn lực, huy động được các lực lượng tham gia vào công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, Luật Nhà giáo còn quy định về quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo.

Xem chi tiết Dự thảo Luật Nhà giáo TẠI ĐÂY

Theo dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ của Bộ GD&ĐT, tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 sinh viên đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Đây là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ