Luật Nhà giáo cần thêm chính sách đãi ngộ thỏa đáng với giáo viên vùng cao

GD&TĐ - Nhiều nhà giáo mong muốn khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ giải quyết triệt để về chính sách ở vùng đặc biệt khó khăn để họ có thêm động lực gắn bó với nghề.

Giáo viên trường Mầm non Mường Mươn số 2 (Mường Chà, Điện Biên) tới từng hộ để dân vận động đưa con tới lớp.
Giáo viên trường Mầm non Mường Mươn số 2 (Mường Chà, Điện Biên) tới từng hộ để dân vận động đưa con tới lớp.

Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng...

Cô Lò Thị Bản, giáo viên trường Mầm non Mường Mươn số 2 (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) chia sẻ, hiện tại chính sách hỗ trợ giáo viên vùng khó vẫn chưa thực sự chặt chẽ, rõ ràng, tường minh và cụ thể về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhà giáo.

Cô Bản cho biết, sau nhiều lần tăng lương, hiện tại cuộc sống của giáo viên đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, so với tình hình vật giá leo thang như hiện nay thì mức lương giáo viên vẫn còn thấp. Trong quá trình đi tuyên truyền, vận động người dân đưa con đến lớp tốn rất nhiều chi phí cho tiền xăng xe do quãng đường di chuyển xa, địa hình hiểm trở. Cô Bản mong muốn trong thời gian tới nhà nước sẽ có thêm chính sách hỗ trợ cho các cô giáo làm công tác tuyên truyền, vận động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Giáo viên vùng cao tại Điện Biên chưa được hưởng chế độ đãi ngộ riêng tương xứng với công sức bỏ ra.

Giáo viên vùng cao tại Điện Biên chưa được hưởng chế độ đãi ngộ riêng tương xứng với công sức bỏ ra.

Đây cũng là mong muốn của cô Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Mường Mươn số 2 (Mường Chà, Điện Biên). Theo cô Hương, ở Mường Mươn, học sinh hầu hết là người dân thiểu số, con hộ nghèo. Người dân nơi đây quanh năm chỉ trông chờ vào một vụ lúa, hai vụ ngô để kiếm sống.

“Không chỉ dạy kiến thức, thầy cô còn phải quan tâm tới sức khỏe, đời sống của học sinh, hàng ngày vận động các em tới lớp, trang bị thêm cho các em kiến thức về xã hội để tránh được nạn tảo hôn. Tôi kiến nghị cần có chế độ, chính sách ưu tiên đối với giáo viên tâm huyết có nhiều đóng góp vào việc thay đổi nhận thức người dân vùng cao” - cô Hương chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề quyền lợi giáo viên, thầy Lò Xuân Văn, Phó hiệu trưởng trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo, Điện Biên) hy vọng Luật Nhà giáo sẽ được xây dựng và thông qua. Trong đó, các nhà giáo vùng cao rất mong có hành lang pháp lý làm sao vừa đảm bảo chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để họ yên tâm công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Giữ chân giáo viên...

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Điện Biên có 15.554 người đang công tác trong ngành giáo dục (12.184 giáo viên). Điện Biên vẫn còn thiếu 2.008 giáo viên theo định mức (chủ yếu là giáo viên giáo dục mầm non, tiểu học và THCS). Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên là do công tác tuyển dụng vào làm việc ở các môn chuyên biệt hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên luôn quan tâm đến việc bổ sung giáo viên các cấp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra. Trong đó, có lý do thiếu nguồn tuyển dụng. Điện Biên là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; giao thông cách trở cũng là những rào cản rất lớn để thu hút cán bộ.

Thầy Phạm Quang Hưởng, giáo viên trường THPT Tuần Giáo (Điện Biên) kỳ vọng, sau khi Luật Nhà giáo hoàn thiện và được thông qua, với các quy định cụ thể sẽ đảm bảo được quyền lợi cho giáo viên công tác ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

"Khi Luật Nhà giáo được ban hành với các quy định cụ thể sẽ tháo gỡ được vấn đề lương, thưởng, phụ cấp cho giáo viên ở khu vực vùng cao, khu vực đặc biệt khó khăn để các các nhà giáo yên tâm gắn bó và cống hiến với nghề. Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường, cần có nhiều chế độ để thu hút đội ngũ trẻ này " - thầy Hưởng hy vọng.

Giáo viên vùng cao mong muốn có thêm chính sách đãi ngộ đặc thù để yên tâm cống hiến, gắn bó với nghề.

Giáo viên vùng cao mong muốn có thêm chính sách đãi ngộ đặc thù để yên tâm cống hiến, gắn bó với nghề.

Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo (Điện Biên) nhận định: Để ổn định đội ngũ nhân sự giáo dục vùng khó, cần hơn nữa sự đồng cảm và có thêm chính sách hỗ trợ nhà giáo. Vùng cao khó khăn nhất vẫn là đường sá, điều kiện ăn, ở tối thiểu cho giáo viên. Các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương cũng đã quan tâm rất nhiều đến đời sống thầy cô giáo. Tuy nhiên, vẫn cần hơn những chính sách cụ thể để tạo ra động lực giúp các thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.

"Hy vọng Luật Nhà giáo ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý đảm bảo các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Qua đây, tạo điều kiện cho những người công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút cán bộ", ông Đỗ Văn Sơn bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sách giáo khoa Ngữ văn từ năm 1995 - 2024. Ảnh: Văn Lự

Lại bàn thêm về môn Ngữ văn

GD&TĐ - Đề kiểm tra Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa báo hiệu quan niệm học để thi, học thuộc nhớ nhiều đã kết thúc.

Công Phượng đề xuất mức lót tay siêu khủng ở đội bóng mới.

Công Phượng nhận lót tay ‘khủng’?

GD&TĐ - Công Phượng được cho là mong muốn nhận được số tiền lót tay không dưới 8 tỷ đồng/năm và ký hợp đồng 3 năm tại đội bóng mới.