Nâng cao vị thế và đãi ngộ với nhà giáo

GD&TĐ - Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ khẳng định vị trí, nâng cao thu nhập, bảo đảm chế độ đãi ngộ xứng đáng cho nhà giáo.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM trong một tiết học. Ảnh: Lê Nam
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM trong một tiết học. Ảnh: Lê Nam

Khẳng định vị thế của nhà giáo

Góp ý xây dựng Luật Nhà giáo, PGS.TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang nhấn mạnh những nội dung cốt yếu của các quy phạm pháp luật về nhà giáo.

Theo ông, cần đặt ra các chuẩn mực cần thiết mà nhà giáo cần phải có, về phương diện học vấn chuyên môn tương ứng với từng bậc đào tạo, chuẩn mực về phẩm cách, về phương pháp và kỹ năng.

Đồng thời, cần có các quy phạm khẳng định và đề cao vị trí hay còn gọi là địa vị của nhà giáo trong cấu trúc xã hội.

"Cùng với đó là một chế độ lương bổng thích đáng, đủ để nhà giáo tổ chức cuộc sống gia đình, sinh con và nuôi dạy con cái với điều kiện tương đối tốt so với mức sống trung bình của các tầng lớp dân cư trong xã hội", ông Thủy nói.

PGS.TS Bùi Anh Thủy cho rằng, mức lương và chế độ nhà giáo phải đủ để tổ chức cuộc sống tốt, chắc chắn việc giữ gìn phẩm giá của nhà giáo sẽ tốt hơn rất nhiều.

"Nếu thực sự chúng đề cao vai trò của nhà giáo trong xã hội, đề cao vị trí giáo dục trong xã hội như quốc sách thì điều đó cần phải được thể hiện bằng chính sách thực tế", ông cho biết.

Giáo viên mầm non tại TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Giáo viên mầm non tại TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

PGS.TS Bùi Anh Thủy cho rằng, cần giao nhiệm vụ cho mạng lưới truyền thông truyền tải kịp thời, đầy đủ, rộng rãi các quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đề cao vai trò của giáo dục và đặc biệt là vị trí của nhà giáo trong xã hội.

Trưởng khoa Luật - Trường Đại học Văn Lang đề xuất, cần quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, không chỉ là cơ quan thực thi pháp luật, thể hiện sự tôn trọng. Đồng thời, cần đề cao và bảo vệ sự an toàn, trọn vẹn của nhà giáo khi họ đang thực hiện công việc.

Vị thế, thu nhập của nhà giáo cũng là nội dung được nhiều đại biểu nhắc đến tại tọa đàm "Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức vào tháng 4/2024.

TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, bối cảnh hiện nay phát huy quyền tự chủ giáo dục, với nhiều áp lực do yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước và xã hội đối với nhà giáo.

Do đó, vị thế của nhà giáo, sự tự chủ của nhà giáo trong thực hiện chương trình, trong quản lý và giáo dục học sinh, sinh viên và trong hoạt động chuyên môn cần tiếp tục được luật hóa. Điều này tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo TS Dung, nghề giáo có tính chất, đặc thù riêng biệt với những áp lực từ xã hội. Tuy nhiên, quyền lợi, phúc lợi họ nhận được chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Với mức thu nhập hiện nay, khó có thể đòi hỏi quá mức ở nhà giáo. Do đó, cần tính toán để nâng cao thu nhập, đãi ngộ cho nhà giáo.

Kinh nghiệm hay từ quốc tế

Cũng tại tọa đàm "Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam", nhiều chuyên gia quốc tế thảo luận về chính sách cho nhà giáo, đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo tại Việt Nam.

GS Tulika Mitra, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, NUS rất coi trọng nhân tài và có chiến lược phát triển rõ ràng từ việc chủ động tuyển dụng, đầu tư vào phát triển, xây dựng, kết nối liên ngành đến đổi mới tư duy lãnh đạo.

Một trong những chính sách thu hút nhân tài của NUS là chính sách “Nuôi dưỡng Khát vọng Học thuật”. Chính sách này bao gồm nhiều chương trình tài trợ và học bổng.

Trong đó, "Chương trình học giả sau đại học ở nước ngoài NUS" sẽ hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh người Singapore ở nước ngoài trong giai đoạn viết luận án từ hỗ trợ tài chính, chi phí đi lại đến những ưu đãi tuyển dụng, tạo điều kiện vào các vị trí có ngạch chuẩn khi trở về làm việc tại NUS.

Với những nghiên cứu sinh đang trong giai đoạn học chuyên đề và học giả sau tiến sĩ người Singapore ở nước ngoài thì NUS có “Chương trình tài trợ phát triển” riêng. Theo đó, mỗi năm, nghiên cứu sinh tiến sĩ sẽ được nhận 10.000 SGD (đô-la Singapore), học giả sau tiến sĩ được nhận 20.000 SGD.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

GS Guodong Yang, Giảng viên Trường Luật Hành chính, Đại học Chính pháp Tây Nam (Trung Quốc) chia sẻ về quá trình xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo tại Trung Quốc.

Luật Nhà giáo của nước này gồm 3 nội dung chính: phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm nhà giáo.

Theo GS Guodong Yang, Trung Quốc chú trọng đãi ngộ cho nhà giáo với mức lương trung bình không thấp hơn công chức, thăng tiến và tăng lương theo quy định chung của pháp luật.

Ngoài ra, nhà nước ưu đãi nhà giáo trong việc xây dựng, thuê, bán nhà ở; hưởng chế độ chăm sóc y tế tương đương công chức cùng địa phương; hưởng chế độ hưu trí theo pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ