Chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo bao gồm chế độ tiền lương, tiền thưởng; chế độ nghỉ ngơi; chế độ an sinh xã hội và các phúc lợi khác. Trong đó chế độ tiền lương có ý nghĩa quan trọng, là động lực thu hút người giỏi vào ngành sư phạm cũng như đảm bảo cho nhà giáo yên tâm “sống” được bằng nghề của mình, gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục; tập trung giảng dạy và nâng cao trình độ mà không cần làm thêm nghề khác.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định: “Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính, sự nghiệp”. Bên cạnh tiền lương, nhà giáo được hưởng phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).
Tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo chiều 2/6, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết:
Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và quy định nhiều chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo với nhiều hình thức ưu đãi, thu hút, hỗ trợ giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến cho ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, nên các chính sách ưu đãi, thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo chưa đáp ứng được mong mỏi của nhà giáo; đặc biệt là nhà giáo mới tuyển dụng, nhà giáo trẻ, nhà giáo mới vào nghề.
Vì vậy, để giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn, Luật Nhà giáo dự kiến quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút nhà giáo như sau:
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Phú. |
Bên cạnh chính sách tiền lương, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề ở mức cao so với các ngành nghề khác, tương ứng với mức độ phức tạp của công việc và phù hợp với điều kiện làm việc.
Phụ cấp ưu đãi nghề cần được đảm bảo áp dụng thống nhất đối với cả đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy theo hình thức hợp đồng lao động trong cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật; có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo; có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu….
Các chính sách thu hút và ưu đãi như: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo, ưu tiên tuyển dụng,... Ngoài ra, khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
Quy định về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo phù hợp với đặc điểm làm việc của từng cấp học: Giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở độ tuổi 55; các nhà giáo có trình độ cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) được kéo dài tuổi làm việc khi còn đủ sức khỏe, có nguyện vọng và cơ sở giáo dục có nhu cầu.
Để tăng cường thêm nguồn lực, huy động được các lực lượng tham gia vào công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, Luật Nhà giáo còn quy định về quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo, cụ thể:
Quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo là quỹ không vì lợi nhuận; dùng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ nhà giáo và thân nhân nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo.
Quỹ không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước mà huy động từ các nguồn lực hợp pháp trên tinh thần tự nguyện, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, cựu người học có mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đội ngũ nhà giáo; không tính vào học phí và các khoản thu, khoản đóng góp của người học và nhà giáo.
Ngoài ra còn có tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo là tổ chức tập hợp những người đã và đang làm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo theo chủ trương, định hướng, yêu cầu đổi mới giáo dục.