Bộ GD&ĐT trả lời:
Quy định về độ tuổi tối thiểu ở các cấp học từ tiểu học đến THPT không thay đổi so với quy định hiện hành, theo đó tuổi của HS vào học lớp Một là sáu tuổi; tuổi của HS vào học lớp Sáu là mười một tuổi; tuổi của HS vào học lớp Mười là mười lăm tuổi, Luật không quy định độ tuổi tối thiểu vào học CĐ, ĐH. Quy định này dựa trên cơ sở khoa học về tâm sinh lý, nhân trắc… phù hợp với thực tế Việt Nam và quốc tế.
Đối với việc học trước tuổi, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định, học vượt lớp, học lưu ban, Bộ GD&ĐT đã quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Giáo dục:
“Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định những trường hợp có thể học trước tuổi đối với HS phát triển sớm về trí tuệ; học ở tuổi cao hơn tuổi quy định đối với HS ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, HS người DTTS, HS bị tàn tật, khuyết tật, HS kém phát triển về thể lực và trí tuệ, HS mồ côi không nơi nương tựa, HS trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước, HS ở nước ngoài về nước; những trường hợp HS học vượt lớp, học lưu ban; việc học tiếng Việt của trẻ em người DTTS trước khi vào học lớp Một”.
Bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư để quy định cụ thể về nội dung này (Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 ban hành Điều lệ Trường tiểu học, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 50/2012/TT-BGDĐT; Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 ban hành Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học).
Đối với GD ĐH, người học có thể học các chương trình đào tạo theo tín chỉ, theo đó người học tích lũy đủ số tín chỉ do trường đại học quy định đối với mỗi ngành học, chương trình đào tạo sẽ được cấp văn bằng.
(Còn nữa)