Luân chuyển giáo viên: Đằng đẵng đợi ngày về

GD&TĐ - Để phát triển giáo dục vùng xa xôi, hẻo lánh, nhiều thầy cô được điều động lên làm việc ở vùng khó khăn, bản làng biên giới.

Thầy Hoàng Sỹ Xuân (người đeo khẩu trang) đi vận động học sinh đến trường.
Thầy Hoàng Sỹ Xuân (người đeo khẩu trang) đi vận động học sinh đến trường.

Ngày ra đi, ai cũng tự nhủ sẽ nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh, đợi ngày trở về. Nhưng có người cứ đợi hết năm này qua năm khác... 

Những năm dài “cắm bản”

Lên nhận công tác ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) từ năm 1990, thầy Nguyễn Văn Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát, cho hay: “Ngày ra đi, ai cũng tự hứa sẽ cố gắng hết mình để đem cái chữ cho bọn trẻ. Ai cũng hy vọng, sau khi hết thời gian “nghĩa vụ” được về vùng thuận lợi công tác. Thế nhưng, thực tế không như vậy, có thầy cô sau nhiều lần viết đơn xin về xuôi không nhận được hồi âm từ phía cơ quan chức năng, nên đã từ bỏ ý định”, thầy Giang chia sẻ.

Quê thầy Giang ở huyện ven biển Nga Sơn, cách trung tâm Mường Lát hơn 300 km. “Ngày ấy, chúng tôi lên đây khổ sở và vất vả lắm. Có những chuyến về thăm gia đình, phải mất 2 ngày mới tới nhà. Đến lúc trở lại trường, có lần phải đi bộ cả ngày đường, vì xe khách không thể chạy được do mưa lũ. Không có sóng điện thoại, không liên lạc được với gia đình, nên mỗi khi về thăm nhà, bố mẹ, người thân lại khóc sướt mướt vì thương nhớ”, thầy Giang nhớ lại.

Cũng như thầy Giang, thầy Hoàng Sỹ Xuân – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú – THCS Mường Lý (Mường Lát) lên nhận công tác từ năm 1997. Quê thầy Xuân ở xã Quảng Tâm, huyện Quảng Xương, nay là TP Thanh Hóa.

Ngày lên Mường Lát nhận công tác, thầy Xuân không nghĩ mình có thể ở trên vùng khó khăn này lâu như vậy. Bởi lẽ, ngày ấy người ta bảo, mỗi giáo viên nam lên vùng khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh cũng chỉ dăm năm thôi, còn giáo viên nữ chỉ đi “nghĩa vụ” vài ba năm rồi  trở về. Thế nhưng, qua 24 năm, thầy Xuân vẫn chưa thể chuyển về xuôi.

“Nhiều lúc muốn xin về xuôi để được gần vợ con và có điều kiện chăm sóc mẹ già, nhưng không thể. Bây giờ, ý định xin chuyển về xuôi cũng không còn đau đáu như trước nữa. Bởi lẽ, kể cả về xuôi được cũng chẳng biết sẽ làm gì, ở đơn vị nào. Mỗi khi nghĩ đến vấn đề này, những người công tác lâu năm như chúng tôi lại xác định bao nhiêu năm qua khó khăn, vất vả như vậy mình còn vượt qua. Giờ đây, điều kiện cuộc sống, đường đi, lối lại thuận tiện hơn trước rất nhiều, con cái cũng đã lớn... nên cố gắng cống hiến cho tới khi về hưu mà thôi”, thầy Xuân bộc bạch.

Cô Dương Thị Nhàn quê ở xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc) lên Mường Lát từ năm 2012. Năm ngoái, để yên tâm công tác ở bản Ón, xã Tam Chung (cách thị trấn Mường Lát hơn 20km), vợ chồng cô Nhàn bàn bạc và thống nhất gửi con út mới lên 3 tuổi về quê nhờ ông bà chăm sóc.

Chồng cô Nhàn cũng là giáo viên, dạy ở Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát.  Ngày cô Nhàn dạy ở bản Ón, mỗi tuần về nhà một lần thăm chồng con và chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho những ngày công tác tiếp theo.

Năm nay, cô được điều chuyển về điểm lẻ bản Suối Loóng, cách nhà hơn 12 km. Vì thế, cô Nhàn sáng đi, chiều về để tiện bề chăm sóc cho chồng và con.

“Có vài lần, chồng em làm đơn xin chuyển công tác về xuôi. Lãnh đạo UBND huyện Mường Lát cũng đồng ý cấp giấy giới thiệu cho chúng em đi liên hệ công tác. Thế nhưng, khi về xuôi đặt vấn đề, không đơn vị nào nhận, nên chồng em đành trở lại Mường Lát”, cô Nhàn tâm sự.

Thầy Trần Văn Liêm – Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh trích lương của mình mua sách vở tặng học sinh nghèo của trường.
Thầy Trần Văn Liêm – Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh trích lương của mình mua sách vở tặng học sinh nghèo của trường.

Giấu nỗi buồn vào trang giáo án

Trường hợp cô Mai Thị Lâm, giáo viên Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát) lại khá buồn. Gần 20 năm công tác ở vùng cao, biên giới này, cô Lâm đã gửi tuổi thanh xuân của mình cho núi rừng, để dìu dắt bao thế hệ học trò nơi đây.

Quê của cô Lâm ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn. Do hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, nên năm 1995, cô Lâm rời quê hương lên huyện Mường Lát ở với chị gái làm công nhân lâm trường. Chứng kiến cảnh con em đồng bào ở đây vô cùng khó khăn, vất vả, nhiều trẻ thất học, bên cạnh đó giáo viên cũng thiếu rất nhiều. Vì thế, cô Lâm quyết định quay về Trường Đại học Hồng Đức nộp đơn thi vào ngành Cao đẳng sư phạm.

Năm 2002, cô Lâm nhận bằng tốt nghiệp và xin trở lại Mường Lát để dạy học cho các em nhỏ ở nơi đây. Cô được cấp trên phân công về nhận công tác tại Trường THCS Quang Chiểu – ngôi trường cách trung tâm huyện Mường Lát gần 30km đường rừng.

Từ khi về dạy ở Trường THCS Quang Chiểu rồi được điều động về Trung Lý, đến nay đã 19 năm. Đó cũng là thời gian cô Lâm sống xa gia đình, xa cha mẹ già ở quê. Những lúc đau ốm, lúc gia đình có chuyện, chẳng làm được gì ngoài những lời động viên. Đã có lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, nhưng rồi lòng yêu nghề của cô đã thắng tất cả những nỗi tủi hờn, khó khăn, vất vả, gian truân... Và, những giọt nước mắt của cô Lâm cứ thế thấm vào... đá núi.

Cách đây chục năm, cô Lâm nên duyên cùng bạn đời ở huyện Lang Chánh. Nhưng đến nay vợ chồng cô giáo vẫn chưa có con mặc dù đã chạy chữa rất nhiều nơi. “Tôi chỉ mong người thân trong gia đình luôn mạnh khỏe và thông cảm để mình an tâm công tác. Những vất vả về tinh thần, vật chất mình quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi. Dự định vài năm nữa được về nghỉ chế độ, tôi chuyển về dưới đó, vợ chồng sớm tối có nhau cho anh đỡ tủi thân”, cô Lâm chia sẻ.

Ông Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát tâm sự: Những đóng góp sức lực, trí tuệ của đội ngũ giáo viên dưới xuôi cho ngành Giáo dục huyện vùng cao, biên giới Mường Lát là không thể đo, đếm. Nhiều người đã gửi lại tuổi thanh xuân cho núi rừng cũng chỉ vì lòng yêu nghề, vì sự phát triển GD vùng khó.

“Có lẽ, khi lên đây công tác, không ai nghĩ rằng sẽ phải ở lại cho tới lúc về hưu. Thế nhưng, do cơ chế, điều kiện cuộc sống.... mà thầy cô không thể quay trở về vùng điều kiện thuận lợi như mong muốn. Nên chăng, Nhà nước cần có chính sách giáo viên của địa phương nào đã đi vùng khó nhiều năm, địa phương đó phải sắp xếp, ưu tiên, tạo điều kiện cho họ được trở về ”, ông Giang trải lòng.

Gần 20 năm sống, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng đất biên cương, có lần cô Lâm làm đơn xin chuyển công tác về xuôi, nhưng bất thành. Từ đó, cô không làm đơn lần nào nữa, mà cố chờ đợi thêm thời gian nữa rồi về hưu, đoàn tụ gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ