Có lẽ chưa bao giờ hàng triệu học sinh cả nước phải tạm dừng đến trường trong một thời gian dài đến thế. Cung đường từ nhà đến lớp, được khoác lên mình bộ đồng phục học trò, cùng chia chỗ ngồi trên bộ bàn ghế cũ, tiếng nói cười trên sân trường rộn rã, cảm xúc xao xuyến khi phượng nở đỏ rực sân trường… vốn vô cùng quen thuộc ấy, bỗng chốc trở thành xa xỉ, thành nỗi nhớ thắt lòng.
Cũng chưa bao giờ, chúng ta chứng kiến những cuộc chia ly đến bất ngờ, chẳng hề được chuẩn bị trước của những cô cậu học trò nhỏ phải vào khu cách ly. Hành trình đến với trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời các em là chiếc valy nhỏ, giọt nước mắt và bước chân líu ríu giữa đêm khuya… Có học trò vì dịch bệnh mà thoắt trở thành trẻ mồ côi, không còn nơi nương tựa…
Khó khăn ấy cho đến giờ phút này vẫn hiện diện thật rõ ràng. Nhưng Covid-19 lại là phép thử để hàng triệu nhà giáo, học sinh, sinh viên khắp mọi miền đất nước khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần không khuất phục trước thử thách. Đất nước còn nghèo, nhưng sáng tạo và nỗ lực của thầy cô đã giúp học trò dù tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học. Lần đầu tiên, dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9/2020 nhận xét: “Việc học trực tuyến để phòng - chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”. Dù khó chồng khó, nhưng kết thúc mỗi năm học đều ghi dấu những kết quả giáo dục nổi bật, được người dân, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, bạn bè thế giới khen ngợi.
Tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu” được cụ thể bằng những hành động thiết thực. Đã có nhiều quyết sách được Bộ GD&ĐT đưa ra để định hướng địa phương triển khai năm học linh hoạt, cả về thời gian, cách thức, nội dung chương trình... cho sát tình hình thực tế và ứng phó tình hình dịch bệnh. Thầy cô nhận vất vả, phần khó về mình, dành những điều tốt đẹp nhất cho học trò, để việc học không bị gián đoạn.
Nhiều giáo viên, hiệu trưởng sẵn sàng chấp nhận nguy cơ lây nhiễm, cuộc sống đảo lộn để theo trò vào khu cách ly. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với ngành Giáo dục; một trong số đó phải kể đến chương trình “Sóng và máy tính cho em” với sự phát động trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ… Bên cạnh đó, nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên đã xung phong góp sức mình vào cuộc chiến chống “giặc Covid-19” cùng dân tộc.
Bước vào năm học 2021 - 2022, những “từ khóa” được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thường xuyên nhấn mạnh là “giảm thiểu tổn thương”, “linh hoạt”, “thích ứng”; biến thách thức, nguy cơ thành cơ hội để thích ứng, thay đổi và giảm thiểu tiêu cực. Dẫu biết rằng, phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách; cả những khó khăn đã thấy, đã biết và sẽ còn diễn ra, bộc lộ trong thời gian tiếp theo; nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, toàn ngành Giáo dục, với nỗ lực nội tại và chia sẻ của cả xã hội, sẽ tiếp tục vững tay chèo lái, đưa con thuyền đổi mới cập bến thắng lợi.