Lựa chọn tổ hợp đúng để phát huy thế mạnh

GD&TĐ - Việc định hướng giúp phụ huynh nắm bắt đầy đủ thông tin và hiểu rõ việc lựa chọn tổ hợp môn học để hỗ trợ đắc lực cho con...

Phụ huynh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) trao đổi với nhà trường về lựa chọn tổ hợp cho học sinh.
Phụ huynh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) trao đổi với nhà trường về lựa chọn tổ hợp cho học sinh.

Để có định hướng tốt cho học sinh lớp 10 trước khi bước vào năm học mới, nhiều trường THPT đã tổ chức hội thảo, gặp mặt phụ huynh nhằm tư vấn, định hướng giúp họ nắm bắt đầy đủ thông tin và hiểu rõ việc lựa chọn tổ hợp môn học để hỗ trợ đắc lực cho con suốt trong quá trình học tập.

Kề vai, sát cánh cùng con

Có con năm nay vào lớp 10, anh Thiều Quang Tuấn (quận Đống Đa, Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến chương trình học và vấn đề lựa chọn tổ hợp làm sao phù hợp với năng lực của con. Anh Tuấn chia sẻ: “Thời điểm này đa số các con đang chưa nắm được hay có định hướng rõ ràng về tổ hợp môn học cũng như nghề nghiệp sau này. Vì vậy, chúng tôi đã tham khảo ý kiến các nhà trường, thầy cô cũng như những phụ huynh có kinh nghiệm để nắm được thông tin, có sự chủ động nhằm hỗ trợ con, đưa ra những gợi ý lựa chọn phù hợp cho con”.

Cũng giống như anh Tuấn, chị Hoàng Thị Kiều Ly (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Việc nhà trường tư vấn sớm về lựa chọn tổ hợp môn học cho các con thực sự rất hữu ích, thiết thực.

Để chuẩn bị tốt cho tương lai thì ngay từ lớp 10, các con cần có những định hướng tổ hợp mình theo học sẽ gắn với các nghề nghiệp, trường đại học, cao đẳng sau này các con học lên cao hơn. Từ đó, gia đình, nhà trường và học sinh sẽ cùng xây dựng kế hoạch để đạt mục tiêu đề ra, đây cũng là nền tảng căn bản để định hướng nghề nghiệp sau này của con trẻ”.

Tương tự, theo cô Đình Thị Thủy - giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội): “Khi nhà trường tư vấn sớm, rõ ràng cho học sinh, các con sẽ có cơ hội nhìn và định vị bản thân mình. Các em sẽ là người hiểu rõ được sở thích cũng như năng lực sở trường của mình, từ đó có lộ trình, sự nỗ lực cố gắng để thực hiện và mục tiêu mong muốn.

Đồng thời, các thầy cô cũng chính là những người giữ vai trò khơi mở, chỉ dẫn cho các con, giúp các con tự tin lựa chọn tổ hợp môn học, không bị loay hoay khi tìm đường, nhất là trong giai đoạn THPT - giai đoạn bản lề định hướng nghề nghiệp tương lai”.

Cô Thủy cho biết thêm, nếu học sinh có lựa chọn phù hợp các em sẽ tiết kiệm được thời gian, tập trung hơn vào học tập. Đặc biệt, khi được định hướng sớm, các bạn trẻ sẽ lựa chọn được chính ban mà mình yêu thích, có niềm tin, ý chí; nỗ lực phấn đấu. Ở trong môi trường đó, mỗi cá nhân sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc với lựa chọn chủ động của mình.

Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) tổ chức gặp mặt học sinh khối 10 để tư vấn lựa chọn tổ hợp, phổ biến nội quy.

Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) tổ chức gặp mặt học sinh khối 10 để tư vấn lựa chọn tổ hợp, phổ biến nội quy.

Nhà trường đồng hành cùng học sinh

Tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn), sau khi có kết quả trúng tuyển nhà trường đã liên hệ với học sinh, phụ huynh để hướng dẫn đăng ký lựa chọn tổ hợp và đăng ký bằng hình thức trực tuyến với nhà trường.

Ngày 1/8 vừa qua, trường đã tổ chức gặp mặt phụ huynh, học sinh lớp 10 và phổ biến quy chế, định hướng lại lần nữa về việc lựa chọn tổ hợp để phụ huynh, học trò có thể thay đổi nguyện vọng trước khi “chốt” danh sách.

Cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) - cho biết: “Thông qua buổi gặp mặt, các bậc phụ huynh và các học sinh có thể tham khảo thêm ý kiến của giáo viên dạy trực tiếp các môn học, nhờ vậy sẽ có định hương tốt hơn”.

Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 210 học sinh khối 10 với 7 lớp. Trong đó, 4 lớp chọn tổ hợp Lý - Hóa - Sinh; 3 lớp còn lại gồm các tổ hợp Lý - Địa; Giáo dục - Kinh tế - Pháp luật.

“Việc định hướng sớm lựa chọn tổ hợp ngay từ đầu lớp 10 như thế này giúp học sinh phát huy được sở trường, thế mạnh của mình để xây dựng kế hoạch học tập cụ thể cho bản thân. Bên cạnh đó, từ nguyện vọng và sự lựa chọn của học sinh, nhà trường cũng thuận lợi hơn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, hỗ trợ phù hợp nhất cho học sinh theo từng đối tượng. Quá trình định hướng chọn ngành, chọn trường sau khi tốt nghiệp THPT cho các em cũng thuận lợi hơn, tránh bị động bỡ ngỡ, áp lực cho giai đoạn cuối cấp”, cô Thuận phân tích.

Cũng rất chú trọng đến công tác định hướng tổ hợp cho học sinh, ngay sau khi có danh sách trúng tuyển Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) đã tổ chức hội thảo tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học cho học sinh lớp 10. Tại đây, phụ huynh và học sinh được trao đổi, thảo luận và đưa ra những thắc mắc của mình về chương trình học, lựa chọn tổ hợp.

Cô Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) - cho biết: “Việc lựa chọn tổ hợp môn học là điều vô cùng quan trọng, gắn với lựa chọn ban, lựa chọn khối và xa hơn nữa là lựa chọn nghề nghiệp tương lai của con.

Trong bối cảnh thay đổi và điều chỉnh về chương trình giáo dục, chính những hoạt động tư vấn, hỗ trợ của nhà trường, của các thầy cô bộ môn trực tiếp giảng dạy sẽ giúp học trò hình dung rõ nét hơn về sự thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông cũ so với Chương trình giáo dục phổ thông mới; nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lựa chọn tổ hợp môn với hướng đi của các em”.

“Khi nắm được những thông tin, gia đình sẽ cùng nhau ngồi lại để cùng con trao đổi, thảo luận xem mong muốn và thế mạnh của con là gì. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể xem xét đến yếu tố truyền thống gia đình, kinh nghiệm của bố mẹ, con có thể tiếp nối hoặc phát huy như thế nào hay chọn một lối đi riêng”, cô Hà cũng đưa ra gợi ý.

“Việc lựa chọn tổ hợp gắn với chương trình học, cũng như định hướng lâu dài để phát triển tương lai cho học trò. Chính vì vậy, nhà trường luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho học sinh để các em phát huy được khả năng của mình, lựa chọn được ngành nghề phù hợp trong tương lai”, cô Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Phenikaa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ