Lựa chọn tất yếu...

GD&TĐ - Dự kiến, từ ngày 8/1, Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại toàn bộ các cửa khẩu đường bộ sau thời gian dài phong tỏa chống dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa của nước ta nói chung, mặt hàng nông sản nói riêng “tăng tốc”...

Hiện nay, đã có 12 loại rau quả của nước ta được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng tăng cao về giá trị như sầu riêng, thanh long, chuối… do các Nghị định thư đã được ký kết.

Đặc biệt, mặt hàng chuối đã lần đầu tiên vượt qua Philippines về xuất khẩu sang Trung Quốc. Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Sự kiện này cũng sẽ mở ra cơ hội cho xuất khẩu tại thị trường này.

Xuất khẩu nông sản có nhiều lợi thế tại thị trường Trung Quốc. Và khi mở cửa biên giới, việc vận chuyển bằng đường bộ sẽ nhanh hơn, cước phí rẻ hơn - càng tạo nhiều hơn nữa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác để cung ứng vào thị trường này.

Đánh giá cụ thể về nhận định này, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn chứng, dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh nông sản của nước ta. Năm nay, tình hình sẽ khởi sắc hơn, dù vẫn có thể xảy ra hiện tượng ùn ứ tại biên giới nhưng không nhiều như năm ngoái.

Nhìn nhận chung về những thuận lợi là vậy. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để có thể khai thác được thị trường này là phải xóa bỏ tư duy coi đây là thị trường dễ tính của không ít doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người sản xuất. Thực tế, hiện thị trường này khá “khó tính”, thậm chí là khắt khe.

Cụ thể từ năm 2022, Trung Quốc bắt đầu áp 2 lệnh mới về điều kiện nhập khẩu nông sản hàng hóa. Hay như yêu cầu xuất khẩu chính ngạch - đồng nghĩa với việc các mặt hàng phải thực hiện nghiêm quy định về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, ghi nhãn hàng hóa.

Tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc không chỉ với hàng hóa nông sản mà với nhiều mặt hàng khác là rất lớn. Vấn đề còn lại thuộc về các doanh nghiệp và người sản xuất.

Trước hết là phải hiểu rõ các quy định để làm tốt, làm đúng, xây dựng chất lượng ổn định. Bên cạnh đó, phải giải quyết cái gốc của vấn đề là nuôi trồng, chế biến, bảo quản... như thế nào để bán được cho các thị trường khó tính chứ không nên mãi chỉ chạy theo số lượng.

Thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được thông quan trở lại và việc nước ta đã ký kết tham gia 15 hiệp định thương mại tự do chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, cái chính là loại bỏ tư duy “tiểu ngạch”.

Phải xác định rõ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này là lựa chọn tất yếu, không thể khác. Và hành trình để các mặt hàng nông sản phải đi còn dài nên phải thay đổi để đi xa bằng chất lượng, bằng nội lực của nông sản Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.