Đó là nhận xét của ông Võ Văn Quới, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non-Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT An Giang.
Chia sẻ về quy trình chọn SGK tại các cơ sở giáo dục An Giang, theo ông Võ Văn Quới, căn cứ Thông tư số 01/2020/TT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT về việc Hướng dẫn lựa chọn SGK phù hợp với cơ sở giáo dục phổ thông và Quyết định số 679/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành tiêu chí lựa chọn SGK, Sở GD&ĐT hướng dẫn quy trình lựa chọn SGK lớp 1 sử dụng trong năm học 2020-2021.
Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông đều đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc: Chỉ chọn lựa sách theo danh mục sách do Bộ GD&ĐT thẩm định và công bố; tuân thủ 4 bước quy trình lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021, đảm bảo khách quan, đáp ứng điều kiện thực tế của nhà trường:
Tổ chuyên môn khối 1 tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK trong số SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định và theo tiêu chí lựa chọn SGK của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Việc lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học phải bỏ phiếu kín, thực hiện kiểm phiếu đúng quy định. Sau khi hoàn tất, Tổ chuyên môn khối 1 báo cáo Hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp và có chữ ký của giáo viên và tổ trưởng tổ chuyên môn khối 1.
Hội đồng họp tiến hành thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở tiêu chí lựa chọn SGK của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và danh mục SGK, hồ sơ liên quan đến việc chọn lựa do tổ chuyên môn đề xuất.
Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK, tổ chức kiểm phiếu, công bố kết quả trong Hội đồng. Kết quả lựa chọn SGK thể hiện thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên tham dự. Hội đồng đề xuất với Hiệu trưởng danh mục SGK đã được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Khẳng định của ông Võ Văn Quới, nhìn chung, 5 bộ SGK lớp 1 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt công bố sử dụng trong các cở sở giáo dục phổ thông đều có chất lượng, đảm bảo mục tiêu chương trình. Việc lựa chọn SGK trên tinh thần dân chủ, phù hợp với nguyện vọng của giáo viên, với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
“Về phía chuyên môn, chúng tôi tin rằng hiệu qủa của công tác dạy học và giáo dục sẽ được phát huy” – ông Võ Văn Quới nêu quan điểm.
Cũng đánh giá cao chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách và việc thực hiện xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản SGK, ông Hoàng Phát Đạt, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang nhận định: Nhìn chung các bộ SGK lớp 1 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các tác giả đầu tư kỹ lưỡng, đáp ứng được nhu cầu phát triển phẩm chất, năng lực hoc sinh; có bộ SGK xây dựng theo hướng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Việc có nhiều bộ SGK tránh được tình trạng độc quyền trong kinh doanh, giúp nhà trường tự chủ với có nhiều phương án lựa để chọn ra được bộ SGK phù hợp với đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng của đơn vị. Thiết nghĩ rằng, khi có nhiều bộ SGK dẫn đến việc cạnh tranh về giá, làm giảm giá thành của sách, bớt đi một phần khó khăn cho xã hội trong việc đầu tư cho học sinh đến lớp, đặc biệt là học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn” – ông Hoàng Phát Đạt nêu quan điểm.
Nói về kết quả đáng ghi nhận nhất của ngành Giáo dục trong thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, ông Hoàng Phát đạt cho rằng: Mạng lưới trường, lớp được sắp xếp lại phù hợp với nhu cầu giáo dục của từng địa phương. Trình độ đạt chuẩn của cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học ngày càng được nâng cao.
Cán bộ quản lý, giáo viên bổ nhiệm và tuyển dụng mới đạt chuẩn theo quy định của ngành. Đội ngũ giáo viên không ngừng tự bồi dưỡng và bồi dưỡng đạt và trên chuẩn quy định của từng cấp học ngày càng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được đầu tư đầy đủ, trường lớp mới khang trang, thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng tốt cho nhu cầu dạy và học, trường học đạt chuẩn quốc gia ngày một gia tăng.