Lựa chọn sách tham khảo: Tôn trọng quyền của học sinh, phụ huynh

GD&TĐ - Chuẩn bị cho năm học mới, cha mẹ có con em trong độ tuổi đến trường bắt đầu hành trình chuẩn bị về tâm thế, mua sắm sách, vở, đồ dùng học tập... Mỗi cấp học, địa bàn, khu vực, phụ huynh học sinh có những nỗi lo riêng, nhưng tất cả đều mong cho con có điều kiện học tập tốt nhất. Báo GD&TĐ xin chia sẻ góc nhìn của thầy Lê Hữu Tân (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) về sách giáo khoa (SGK), sách tham khảo (STK) trước năm học mới.

Nhiều trường đã tổ chức “tủ sách dùng chung” để học sinh chủ động sử dụng. Ảnh: INT
Nhiều trường đã tổ chức “tủ sách dùng chung” để học sinh chủ động sử dụng. Ảnh: INT

Sách giáo khoa - tài liệu học tập bắt buộc

Năm học 2021 - 2022, bậc học phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) đang sử dụng SGK của Chương trình giáo dục Phổ thông ban hành theo thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT (CTGDPT 2018) ở lớp 1, lớp 2, lớp 6 và của Chương trình GDPT theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 (CTGDPT 2006) cho các khối lớp còn lại.

Năm học 2022 - 2023 thêm các khối lớp 3, lớp 7, lớp 10 thực hiện SGK theo CTGDPT 2018. Sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT phê duyệt và UBND các tỉnh lựa chọn sử dụng trên địa bàn (đối với SGK CTGDPT 2018) là tài liệu học tập bắt buộc đối với học sinh. Nhà trường/giáo viên phải tuyên truyền, hướng dẫn để phụ huynh bảo đảm đủ SGK cho học sinh học tập và mua ở những nhà sách được cấp phép cung ứng, tránh mua phải sách in lậu, sách giả.

Hiện trên các diễn đàn mạng xã hội có nhiều tranh luận, ý kiến về việc cung ứng SGK. Khách quan, mua sắm SGK là việc của mỗi gia đình. Tốt nhất, bố mẹ cùng con đi mua sách để tạo thêm niềm vui, niềm tin, tự chủ cho các con.

Cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên cũng có thể hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, phụ huynh trong mua sắm SGK. Việc nhà trường/giáo viên giúp đỡ mua sách cần tùy vùng miền, điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng học sinh, phụ huynh. Nếu nhà trường/giáo viên mua giúp SGK cho học sinh phải bảo đảm đây là yêu cầu, nguyện vọng của phụ huynh và trong điều kiện có thể đáp ứng được. Tuyệt đối không được ép, khuyến khích, lôi kéo phụ huynh để nhà trường cung ứng sách; không bắt ép giáo viên phải mua giúp SGK cho học sinh khi họ không tự nguyện tham gia việc này.

Ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn đi lại nên nếu phụ huynh có nguyện vọng nhờ nhà trường/giáo viên mua SGK giúp học sinh là việc làm cần thiết. Việc làm này cần xuất phát từ cái tâm, với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu” và bỏ qua tất cả ý nghĩ về “hoa hồng”, lợi nhuận. Thời gian qua, rất nhiều giáo viên, nhiều trường không những cung ứng SGK mà còn bọc, dán nhãn đầy đủ cho các em nhưng không lấy tiền công. Việc làm này đã tạo hình ảnh đẹp trong học sinh, phụ huynh và kéo dài “tuổi thọ” cuốn sách. Cuối năm học, giáo viên lại khuyến khích học sinh tặng SGK cho thư viện trường để các em lớp sau mượn học tập.

Nhằm giúp đỡ những học sinh khó khăn, các trường đã xây dựng và phát huy tủ sách dùng chung để các em sử dụng. Nhiều đơn vị đã bố trí nguồn kinh phí hợp lý để tăng cường số lượng sách. Bên cạnh đó, các trường tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ SGK mới, cũ cho thư viện. Dựa trên số lượng sách dùng chung, cuối năm học nhà trường cân đối, thông báo cho học sinh, phụ huynh biết để cân nhắc việc mua sách mới hay dùng sách nhà trường cho mượn. Tủ sách dùng chung này còn là nguồn hỗ trợ kịp thời cho học sinh vì lý do nào đó mà khi lên lớp không có sách để học.

Tủ sách học đường luôn đồng hành với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: INT

Tủ sách học đường luôn đồng hành với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: INT

Về sách tham khảo

Sách tham khảo (STK) chỉ là tài liệu để học sinh tham khảo thêm, không bắt buộc phải có để dùng trong quá trình học tập. Ở bậc học phổ thông, STK không nằm trong danh mục sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Trên thị trường hiện có nhiều STK, bổ trợ cho một môn học. Điểm qua môn Tiếng Việt lớp 2 có trên 15 đầu sách gọi là “ăn theo” SGK môn Tiếng Việt 2. Một số STK được phụ huynh lựa chọn đáp ứng năng lực, sở thích các con, góp phần tích cực trong học tập, cuộc sống.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, trên thị trường xuất hiện rất nhiều STK có tiêu đề dưới dạng sách bài tập, bổ trợ ôn luyện, nâng cao, học tốt, hình thành phát triển năng lực... Câu hỏi là học sinh cần STK/sách bổ trợ không? Bổ trợ môn học nào? Nâng cao, rèn luyện kỹ năng ra sao? Nên mua sách từ nhà xuất bản nào?...

Trả lời cho các câu hỏi trên là căn cứ vào quyền và nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Vậy, vai trò của giáo viên, CBQL giáo dục về lĩnh vực này như thế nào? Năm 2014 Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT về quy định quản lý xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Ngày 10/6/2022, Bộ lại có Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về sử dụng SGK và STK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, Bộ yêu cầu thực hiện nghiêm quy định: “ Giáo viên và CBQL giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào”.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, phụ huynh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT tạo phê duyệt dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, không thực hiện lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, STK và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh mua sử dụng.

Như vậy, SGK là tài liệu bắt buộc mà học sinh cần có, còn STK là những tài liệu bổ trợ, không bắt buộc nên phụ huynh học sinh cần chú ý cân nhắc, đánh giá nhu cầu khi mua cho con học.

Trên thị trường có nhiều loại STK, bổ trợ, nâng cao kèm theo đó là quảng cáo hấp dẫn làm nhiễu loạn phụ huynh, học sinh. Nhà trường/giáo viên cần tuyên truyền cho phụ huynh biết, hiểu và cân nhắc trước khi mua. Phụ huynh không nên mua nhiều STK gây lãng phí và quá tải đối với trẻ; cần chọn lọc, mua sắm STK dựa trên năng lực, ý thích của các em để có những quyển sách thật sự phù hợp, mang lại hiệu quả giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.