Hòa Bình: Sử dụng sách tham khảo tự nguyện, không ép buộc

GD&TĐ - Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình vừa ban hành công văn hướng dẫn lựa chọn, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong trường tiểu học trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc.

Hình minh họa (Ảnh: Cẩm Anh)
Hình minh họa (Ảnh: Cẩm Anh)

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định. Khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục và phù hợp với nhu cầu thực tế.

Công văn cũng yêu cầu các đơn vị chú trọng truyền thông, tư vấn với phụ huynh, học sinh, đảm bảo việc sử dụng các ấn phẩm, sách bổ trợ, tham khảo hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc.

Đồng thời, tổ chức cho tổ chuyên môn nghiên cứu, lựa chọn sách bổ trợ, tham khảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, phù hợp với thực tế. Trên cơ sở đó, các trường học có thể lựa chọn sách bổ trợ, tham khảo theo danh mục đã được Sở GD&ĐT cho phép sử dụng để dạy học và giáo dục học sinh.

Giáo viên có thể sử dụng sách bổ trợ, tham khảo để hỗ trợ thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời phục vụ các mục tiêu nghiên cứu khoa học.

Học sinh có thể sử dụng sách bổ trợ, tham khảo để củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chuẩn chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt hỗ trợ việc tự học, tự đánh giá bản thân.

Cũng theo công văn, Ban Giám hiệu các trường phải tham khảo ý kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc thống nhất sử dụng một số loại sách bổ trợ, tham khảo nếu cần. Sau đó tổng hợp về bộ phận thư viện để thông báo đến phụ huynh học sinh đăng ký mua sách trên tinh thần tự nguyện.

Trong trường hợp phát hiện xuất bản phẩm tham khảo có sai sót, chất lượng chưa đảm bảo, có nội dung không lành mạnh hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời,  thông báo đến  các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn.

Ngoài ra, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc điều chỉnh, bổ sung sách bổ trợ thì cán bộ quản lý, giáo viên cần báo cáo phòng GD&ĐT.

Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng yêu cầu các trường hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm tăng cường trao đổi với phụ huynh học sinh. Kịp thời tư vấn, cung cấp thông tin tới phụ huynh về việc trang bị sách giáo khoa, sách bổ trợ, tham khảo và đồ dùng học tập cho học sinh. Mục đích của việc làm trên nhằm đảm bảo hỗ trợ tích cực việc dạy - học nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục và sát nhu cầu thực tế, không quá tải, không tốn kém cho gia đình, tránh bức xúc trong xã hội.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.