Cụ thể, đối với sách giáo khoa, khi có chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về sử dụng sách giáo khoa, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Hàng năm, từ năm 2020 đến năm 2024, các cơ sở giáo dục phổ thông rà soát, thống kê số lượng học sinh hiện có, đặc biệt chú trọng học sinh đầu cấp để xác định nhu cầu về sách giáo khoa và có phương án cung ứng đủ, kịp thời cho học sinh vào đầu năm học. Lập kế hoạch cung cấp sách giáo khoa cho các đối tượng ưu tiên bảo đảm đúng chế độ và kịp thời phục vụ năm học.
Cùng với đó, rà soát sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong thư viện để có kế hoạch mua sắm bổ sung và duy trì hoạt động thường xuyên của thư viện bảo đảm phục vụ tốt việc dạy và học. Thực hiện nghiêm túc Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Đối với thiết bị dạy học, Sở GD&ĐT lưu ý, căn cứ vào “Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu” của từng khối lớp do Bộ GD&ĐT ban hành hàng năm, các đơn vị rà soát, đối chiếu giữa danh mục do Bộ GD&ĐT ban hành với thiết bị dạy học hiện có tại các cơ sở giáo dục phổ thông, xác định số thiết bị dạy học phù hợp với chương trình giáo dục của từng lớp. Trên cơ sở kết quả rà soát, lập kế hoạch bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Phát động giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đẩy mạnh phong trào tự làm thiết bị dạy học từ nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, phù hợp với nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để bổ sung cho kho thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.