Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên. Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là các quy định hướng tới tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục trong lựa chọn SGK.
Phát huy trách nhiệm hiệu trưởng, giáo viên
Nghiên cứu dự thảo, thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (tỉnh Đồng Tháp) nhận định có nhiều điểm mới; đặc biệt liên quan đến hội đồng lựa chọn, quy trình, trách nhiệm công khai SGK cấp tỉnh và đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục sách khi có kiến nghị phù hợp.
Theo đó, hội đồng lựa chọn SGK do hiệu trưởng nhà trường thành lập với sự tham gia sâu của tổ chuyên môn, giáo viên. Cụ thể, hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó; đại diện tổ, nhóm, phòng chuyên môn, giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh. Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ các đơn vị và trình Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh phê duyệt. Như vậy, kết quả lựa chọn của hội đồng lựa chọn SGK nhà trường mang tính chất quyết định.
Bày tỏ đồng tình điểm mới này, theo thầy Trần Văn Hân, giáo viên là người biết rõ điều kiện cơ sở vật chất, tình hình đội ngũ của trường, nắm tâm lý, năng lực từng học sinh và là người tiếp cận trực tiếp các bộ SGK; vì vậy sẽ có lựa chọn phù hợp nhất. Tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tổ chuyên môn, thành viên hội đồng, nhất là hiệu trưởng nhà trường được phát huy cao nhất, vì dự thảo quy định hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định.
Dự thảo Thông tư cũng tăng thời gian nghiên cứu, nhận xét, đánh giá từng sách và mỗi môn chỉ lựa chọn một SGK duy nhất tạo thuận lợi, thống nhất trong lựa chọn. Điều này, theo thầy Trần Văn Hân, tránh được trường hợp nhà trường đề xuất lựa chọn sách khác với SGK hội đồng của tỉnh lựa chọn, hoặc có thay đổi khi UBND phê duyệt nhiều hơn một SGK đối với môn học nào đó.
“Dự thảo đồng thời quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương; chỉ đạo sở GD&ĐT thông báo danh mục SGK được phê duyệt đến nhà trường trước 30/4 hằng năm.
Điều này giúp thông tin về SGK chính thống, kịp thời đến nhà trường, học sinh, cha mẹ, tạo sự chủ động và chuẩn bị tốt nhất. Ngoài ra, quy định nhà trường tổng hợp kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ (nếu có) báo cáo về cơ quan quản lý trực tiếp về việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục sách cũng bảo đảm tính thực tiễn, hiệu quả, phù hợp”, thầy Trần Văn Hân nhận định.
Từ thực tiễn lựa chọn SGK, thầy Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đồng tình với dự thảo khi quy định thành lập hội đồng lựa chọn SGK cấp trường. Các điều khoản quy định, nhiệm vụ chức năng của hội đồng chọn sách cụ thể, sát thực. Thành viên hội đồng quy định số lượng cụ thể, số lẻ bảo đảm việc bỏ phiếu công tâm.
“Một điều đáng chú ý là dự thảo có thêm sự tham gia của phụ huynh học sinh, tăng tính dân chủ trong lựa chọn sách. Phần tổ chức thực hiện từng cấp cũng rõ ràng, cụ thể. Có thể nói, dự thảo này, việc lựa chọn SGK cấp cơ sở đóng vai trò then chốt, được coi trọng hơn”, thầy Hoàng Minh cho hay.
Ảnh minh họa ITN. |
Bảo đảm kinh phí
Nhận định dự thảo Thông tư có nhiều điểm mới phù hợp, thầy Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Văn Miếu (Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đặc biệt nhấn mạnh quy định: Mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông mỗi khối lớp lựa chọn một SGK. Khác với quy định hiện hành (Thông tư 25) “mỗi môn học, hoạt động giáo dục khối lớp lựa chọn một hoặc một số SGK”, quy định mới giúp tổ chức dạy học dễ dàng hơn.
Để bảo đảm thuận lợi cho cơ sở giáo dục, thầy Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị cần bảo đảm nguồn kinh phí cho tổ chức lựa chọn SGK. Hiện nay, nguồn kinh phí được phân bổ chưa rõ ràng nên cơ sở giáo dục khó khăn trong công tác tổ chức, đặc biệt là chi kinh phí cho thành viên tham gia công tác này.
Cũng theo thầy Nguyễn Hồng Sơn, việc tăng vai trò, trách nhiệm của cơ sở giáo dục với lựa chọn SGK như trong dự thảo, nhà trường cần có giải pháp khắc phục những hạn chế: Không bảo đảm đủ thời gian nghiên cứu hết các bộ sách; một số giáo viên chưa đủ khả năng đánh giá SGK; có môn học, nhà trường chỉ có 1 giáo viên nên việc đánh giá dễ mang tính chủ quan…
Cho rằng điểm mới của dự thảo đã khắc phục một số hạn chế khi triển khai theo Thông tư 25, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang đồng tình cao việc chuyển hội đồng lựa chọn SGK về cơ sở giáo dục. Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chỉ xem xét, thẩm định quy trình chọn sách của trường, tập hợp báo cáo Bộ GD&ĐT là phù hợp, giúp kiểm soát việc lựa chọn sách tại cơ sở đúng theo Thông tư.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Khanh cũng bày tỏ băn khoăn với khâu sở GD&ĐT trình UBND tỉnh phê duyệt. Lý do, có khả năng việc lựa chọn sách của cơ sở giáo dục thay đổi theo năm học; mỗi tỉnh/thành có nhiều cơ sở giáo dục, do đó có thể dẫn đến UBND tỉnh phải tổ chức phê duyệt SGK hằng năm. Bên cạnh đó, nếu trên địa bàn tỉnh, một môn học có 3 bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, trường chọn đủ 3 bộ sách, sở GD&ĐT thẩm định cơ sở giáo dục đều thực hiện đúng theo quy trình; như vậy việc trình UBND tỉnh phê duyệt bộ sách cho toàn tỉnh của môn học này là thừa.
Với vấn đề kinh phí, theo ông Trần Tuấn Khanh, dự thảo yêu cầu nhà trường tham mưu ban hành quy định về mức chi cho hội đồng chọn sách của cơ sở giáo dục. Việc trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt đòi hỏi một khoảng thời gian. Nếu Thông tư không ban hành sớm sẽ khó có được mức chi kịp thời.
Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên nêu rõ 3 nguyên tắc và 2 tiêu chí lựa chọn SGK. 3 nguyên tắc là: Lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông; Mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK; Việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
2 tiêu chí lựa chọn SGK là: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương; Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.