Lựa chọn đường sắt đô thị nào phù hợp ở Việt nam?

GD&TĐ - Chiều 29/1, tại Trường ĐH Giao thông vận tải đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Lựa chọn giải pháp đường sắt đô thị phù hợp với các đô thị ở Việt Nam”, thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự

Việt Nam đang triển khai một số tuyến đầu tiên tại Hà Nội và TP. HCM. Lựa chọn giải pháp phù hợp với các đô thị ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trường Đại học GTVT là một cơ sở GDĐH đi đầu trong đào tạo, nghiên cứu về GTVT tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực đường sắt. Hội thảo được Trường tổ chức nhằm huy động các chuyên gia, nhà khoa học cùng ý kiến với việc lựa chọn công nghệ cho hệ thống đường sắt cho các đô thị ở nước ta trong thời gian tới.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Gregor Wessels đến từ Tập đoàn Dorsch, Cộng hòa Liên bang Đức với báo cáo chuyên đề “Biến Hà Nội thành một đô thị bền vững, có vị trí trên thế giới, có định hướng chuyển tiếp” đã trình bày về định hướng chuyển tiếp bền vững, hệ thống đường sắt có cấu trúc phân cấp và thiết kế "hiện đại" của hệ thống đường sắt đã được ứng dụng trong thiết kế các hệ thống đường sắt đô thị ở Châu Âu.

GIải pháp nào cho phù hợp với đô thị Việt Nam được đưa ra
GIải pháp nào cho phù hợp với đô thị Việt Nam được đưa ra

Tập đoàn Siemens của Đức đã đưa ra kinh nghiệm tham gia các dự án về hạ tầng đường sắt đô thị trên thế giới ở Singapore, Đan Mạch, Đức; về giải pháp đa phương thức ở Đan Mạch, Luxemburg; các dự án chìa khóa trao tay ở Ả rập xê út, Thái Lan; các loại hình toa xe hiện đại ở Đức, Anh Quốc, Mỹ; và dịch vụ khách hàng ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, hệ thống giao thông thông minh (ITS) cho các dự án ở Nam Kinh-Trung Quốc, Luân Đôn-Anh Quốc, tuyến Velaro và Desiro ở Nga, tuyến Barcelona-Madrid ở Tây Ban Nha.

Các chuyên gia tới từ Tập đoàn CECI của Đài Loan đã giới thiệu về quy hoạch và phát triển hệ thống MRT ở Đài Loan. Những kinh nghiệm về kết nối các tuyến đường sắt đô thị cũng đã được ông Shigeyuki Sakaki điều phối viên về lĩnh vực giao thông của World Bank trình bày tại hội thảo. Các tham luận đã làm rõ nhiều khái niệm kỹ thuật của ĐSĐT, giúp hiểu hơn về thực trạng hiện nay và các giải pháp cho ĐSĐT đã được đề xuất tại 2 thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và Tp HCM.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nhân lực cho ĐSĐT cũng đã được các chuyên gia của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thảo luận tại hội thảo. Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này có chưa tới 1000 nhân sự. Vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự cho ngành là rất cần thiết, cần có một định hướng đúng đắn từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ của các trường đại học để đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành này trong thời gian tới.

Những nội dung mà các chuyên gia đã trao đổi tại hội thảo sẽ là những cơ sở khoa học và thực tiễn thiết thực để chúng ta có định hướng trong việc lựa chọn các giải pháp phù hợp cho các đô thị ở nước ta trong tương lai.

Xu thế phát triển chung của các thành phố lớn trên thế giới bao giờ cũng hướng đến hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thuận tiện, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị. Hệ thống đường sắt đô thị có mật độ chạy tàu cao, năng lực vận chuyển lớn sẽ đáp ứng được căn bản nhu cầu đi lại của người dân khi có sự kết nối giữa các tuyến và với các loại hình giao thông công cộng khác. Hệ thống này đòi hỏi chi phí đầu tư cao cùng với yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, quản lý khai thác và vận hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ