Với chương trình đào tạo kép trong các chương trình đào tạo nghề gồm các hoạt động học trên lớp và thực tập tại doanh nghiệp, nhằm giúp sinh viên (SV) Việt Nam có kỹ năng nghề nghiệp tốt.
Hợp tác dạy nghề Đan Mạch
Trên tinh thần hợp tác dạy nghề cùng với Đan Mạch, Bộ Lao động, Thương binh Xã hội đã xác định một số thách thức chính cần được giải quyết bao gồm các lỗ hổng kỹ năng và SV không tích lũy đủ các kỹ năng phù hợp trong quá trình đào tạo nghề.
Để giải quyết thách thức này, đào tạo nghề kép phải được nghiên cứu và thử nghiệm trong chương trình đào tạo nghề bao gồm việc điều chỉnh chương trình đào tạo nghề và đưa hoạt động thực tập tại doanh nghiệp vào trong các chương trình đào tạo nghề.
Chương trình này được hợp tác thực hiện từ năm 2016 nhằm góp phần giải quyết thách thức về khoảng trống kỹ năng hiện đang tồn tại giữa một bên là nhu cầu, tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp và một bên là kỹ năng thực tế của người xin việc làm. Đây cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp Đan Mạch gặp phải ở Việt Nam. Vì vậy Đan Mạch rất muốn được giúp đỡ Việt Nam tháo gỡ thực trạng này.
Chương trình sẽ thí điểm đào tạo tại 4 trường nghề tại Việt Nam từ năm 2016-2019, trong đó có 2 trường ở Hà Nội và 2 trường ở thành phố Hồ Chí Minh. Trên tinh thần xây dựng quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, và thí điểm các biện pháp nhằm thúc đẩy đào tạo kép trong các chương trình đào tạo nghề: họat động học tập trên lớp và thực tập tại các doanh nghiệp, sẽ giúp SV theo học hai nghề: Nội thất và đồ họa có kỹ năng và năng lực nghề tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động ở Việt Nam.
Việc xây dựng một mô hình về thực tập tại doanh nghiệp được điều chỉnh phù hợp và việc thực hiện thí điểm tại doanh nghiệp như là một phần của chương trình đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một hệ thống đào tạo nghề nhạy bén hơn.
Mô hình đào tạo kép
Trên cơ sở kinh nghiệm của Đan Mạch về đào tạo nghề cùng thực trạng của hệ thống đào tạo nghề Việt Nam, hai bên thống nhất sử dụng “mô hình tập sự” để điều chỉnh phù hợp trong việc đào tạo nghề Nội thất và Đồ họa (có nghĩa là vừa học song song lý thuyết và thực hành nghề). Các hoạt động tập sự tại doanh nghiệp phải là một phần không tách rời của chương trình đào tạo với thời lượng bình quân tối thiểu: 25% thực tập tại doanh nghiệp và 75% học trên lớp.
Thời lượng tập sự của các SV tại doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào loại hình/độ dài của một chương trình, giúp cho SV thấy được những kỹ năng nào cần phải tích lũy khi học ở trường và khi thực tập tại doanh nghiệp; các cơ hội học tập sẵn có tại các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác nhau. Qua công việc và thời gian thực tập tại các doanh nghiệp, SV cũng sẽ được hưởng lợi từ các công việc mà mình tham gia.
Mô hình cơ bản phù hợp với các chương trình đào tạo nghề hiện nay, có thể áp dụng và thí điểm trong phạm vi khung pháp lý hiện tại và cho phép tính linh động và điều chỉnh cụ thể trong hai ngành bao gồm các chương trình đào tạo cũng như là công việc thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp.
Khi các SV tham gia thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp các em ấy có thể tích lũy các kỹ năng thích và và các kinh nghiệm làm việc thực tế như là một phần của chương trình đào tạo nghề nhằm thúc đẩy việc tiếp thu các kỹ năng thích hợp và chuyển đổi từ đào tạo sang thị trường lao động cho SV.
Tại các doanh nghiệp luôn tạo cơ hội cho SV tích lũy các kỹ năng mềm và kỹ năng nghề thích hợp như là một phần bổ sung vào các chuẩn đầu ra trong các chương trình đào tạo nghề. Đồng thời, đào tạo trong môi trường thực hành nghề nghiệp sẽ tạo thêm cơ hội cho SV biết vận dụng các kiến thức và kỹ năng học được trên lớp và có cái nhìn sâu sắc và kinh nghiệm về thực tế công việc.
Đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra
Hoạt động thực tập tại doanh nghiệp như là một phần của chương trình đào tạo nghề kết hợp xen kẽ với hoạt động học trên lớp phải dựa trên một chương trình đào tạo nghề địa phương. Chương trình này được xác định rõ ràng các chuẩn đầu ra cần đạt được trong các hoạt động thực tập tại doanh nghiệp. Các chuẩn đầu ra phải bao gồm các kỹ năng nghề và kỹ năng mềm mà SV cần tích lũy được khi thực hiện các nhiệm vụ công việc có liên quan.
Để đảm bảo rằng đạt được các mục tiêu tổng quát và chuẩn đầu ra; các hoạt động học tập và thực tập cung cấp cho SV những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc được mong đợi các doanh nghiệp cần bố trí hoạt động tập sự phải được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí đánh giá môi trường làm việc và học tập tại doanh nghiệp.
Bà Hanne Shapiro, chuyên gia giáo dục Đan Mạch, Giám đốc sáng tạo – Học viện Công nghệ Đan Mạch cho biết: Mục đích của chương trình đào tạo này nhằm giúp các trường đào tạo Nghề và các doanh nghiệp xích lại gần nhau để cùng xây dựng mô hình đào tạo: vừa học, vừa làm (học lý thuyết đi đôi với thực hành). Đây là mô hình đã rất phố biến ở châu Âu trong đó có Đan Mạch.
Đồng thời chúng tôi cũng giúp các trường Nghề xác định được những kỹ năng cần thiết cho SV mà các doanh nghiệp yêu cầu người lao động khi tuyển dụng. Chương trình cũng nhằm hỗ trợ các trường đào tạo Nghề và các công ty hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đào tạo và tuyển dụng hiệu quả.
Cùng với đó các chuyên gia giáo dục đào tạo của Đan Mạch sẽ sang hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho các giáo viên và triển khai nội dung giáo dục mới về kỹ năng nghề cho ngành đồ họa và nội thất cho SV. Khi SV được đào tạo theo chương trình này họ không những có cơ hội tuyển dụng cao mà còn có một kỹ năng làm việc tốt trong suốt cuộc đời của họ.
Đan Mạch đã có nhiều năm kinh nghiệm về hợp tác mạnh mẽ giữa đào tạo nghề và doanh nghiệp. Do đó, tôi thấy rất phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc giải quyết thách thức này. Bản chất hay thay đổi của thị trường lao động, công nghệ cũng như sản xuất, cần đánh giá các kỹ năng một cách liên quan và có hệ thống. Ngoài ra cũng cần đưa học phần học tập qua thực hiện vào chương trình dạy nghề để thúc đẩy phát triển một hệ thống dạy nghề linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu hơn và bền vững hơn.