Cùng ngắm hình ảnh chân thực nhất của mắt ong, giấy cói, luân trùng... được phóng đại gấp hàng trăm lần.
Nikon Small World là cuộc thi thường niên do Nikon - một trong những hãng máy ảnh danh tiếng hàng đầu thế giới tổ chức nhằm vinh danh những bức ảnh về thế giới vi sinh vật xuất sắc nhất.
Năm 2015 là lần thứ 41 cuộc thi được tổ chức thành công. Và dưới đây sẽ là những bức ảnh nổi bật nhất, giúp bạn có một cái nhìn khác về thế giới vi sinh vật vẫn hiển hiện quanh chúng ta hàng ngày.
Bức ảnh kỳ lạ này thực chất là bề mặt của giấy cói, được phóng to gấp 200 lần. Người chụp bức ảnh là David Maitland (Anh) đã giành giải bức ảnh đặc biệt nhất trong cuộc thi.
Theo bạn đây là hình gì? Câu trả lời là mắt của một chú ong - được phóng to tới 120 lần, đến mức thấy rõ từng sợi lông và bụi phấn dính trên đó.
Bức hình được chụp bởi Ralph Grimm - một giáo viên trung học người Úc, và cũng là bức hình đạt giải quán quân lần này. Ý nghĩa của bức ảnh là nhằm gửi gắm thông điệp bảo vệ loài ong khỏi tác động của con người khi số lượng ong tại Mỹ đã giảm một nửa, từ hơn 5 triệu cá thể xuống chỉ còn khoảng 2,7 triệu con trong vòng 75 năm tính từ năm 1940.
Đây là những gì xảy ra nếu ta đưa vi sinh vật của người vào trực tràng của chuột, rồi phóng to lên 63 lần. Bức ảnh được chụp bởi Kristen Earle, Gabriel Billings, KC Huang và Justin Sonnenburg thuộc khoa Vi sinh học và miễn dịch học tại ĐH Stanford (Mỹ).
Bức hình đoạt giải ba thuộc về Igor Siwanowicz (Viện Y tế Huges - Mỹ). Sinh vật đáng sợ này thực chất là một loài hoa có tên khoa học là Utricularia gibba - một dạng thực vật được tìm thấy tại các hồ nước trên toàn thế giới. Bức ảnh đã được phóng to gấp 100 lần.
Daniel H. Miller và Ethan S. Sokol, thuộc học viện MIT (Mỹ) đã có ý tưởng chụp phóng to gấp 100 lần tuyến vú của người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Bức ảnh đã giúp họ giành vị trí thứ 4 trong cuộc thi.
Bức ảnh ấn tượng này đã giúp Giorgio Seano và Rakesh Jain thuộc ĐH Y Harvard đạt vị trí thứ năm. Bức ảnh cho thấy sự phát triển đáng sợ của khối u não nguyên phát (glioblastoma) - một dạng khối u phát triển rất nhanh - bên trong não của chuột.
Bức hình sao biển tí hon được phóng to gấp 10 lần đã giúp Evan Darling giành vị trí thứ 7 trong cuộc thi. Hiện nay, sao biển đã được liệt vào danh sách các loài sinh vật gặp nguy cấp trên thế giới.
Sinh vật này là một loài phù du có trong phoronid - hay sâu móng ngựa - thường sinh sống dưới đáy Đại Tây Dương.
Một cá thể phoronid trưởng thành thường chỉ dài 2cm, rộng 1,5mm. Chính vì thể để có được bức ảnh này, Richard Kirby thuộc Hiệp hội Sinh học đại dương (Anh) đã phải phóng to gấp 450 lần.
Bức hình chụp cảnh luân trùng đang ăn với độ phóng to 50 lần do Charles Kreb từ Washington thực hiện. Luân trùng còn có tên là trùng bánh xe là một loại vi sinh vật sống tại các khu vực nước ngọt. Sở dĩ mang cái tên "luân trùng" là do miệng của chúng có những chiếc răng nhỏ xíu, hoạt động giống như bánh xe đang quay.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.