Công việc dạy dỗ, chăm sóc các em là câu chuyện dài và đầy xúc động của các nữ giáo viên nơi đây.
Người mẹ đặc biệt
Sĩ số lớp học không quá 10 học sinh và được chia làm hai phòng. Một phòng học dành cho 4 em học lớp 1 và 2 do cô Đinh Thị Thủy phụ trách; phòng còn lại là 5 trẻ lớp 3 và 5 do cô Phùng Thị Thúy Hà đảm nhiệm. Hai cô đều là giáo viên thuộc Trường Tiểu học Yên Bài, huyện Ba Vì. Gắn bó với lớp học ngay từ những ngày đầu thành lập đến nay, cả hai cô đều chung một mục tiêu nhằm lan tỏa tình yêu thương, tri thức đến học trò thiếu may mắn.
16 năm nay gắn bó với lớp học, cô Thúy Hà thấu hiểu hơn ai hết những thiệt thòi, vất vả của học trò. Từ những ngày đầu tiếp xúc với trẻ, cô đã thấy thẳm sâu trong những ánh mắt đó là khát khao được đi học bởi ngày đó, xã hội còn kỳ thị với trẻ nhiễm HIV. Có em hỏi: “Bao giờ con được đi học? Mẹ dạy chúng con nhé”. Nghe những lời nói đó, lòng cô Hà như thắt lại vì thương các em và trả lời: “Mẹ Hà sẽ dạy các con” khiến trẻ vui mừng khôn xiết và níu lấy chân cô giáo.
Theo cô Hà, hầu hết trẻ tại đây đều không còn bố mẹ, hay chỉ còn bố hoặc mẹ nhưng lại nhiễm HIV nên không có khả năng chăm sóc, dạy bảo các em. Dù sĩ số ít nhưng mỗi em lại ở mức độ khác nhau. Có em bị tự kỷ, em thì nhận thức chậm, em lại nhận thức tốt nên trong bài dạy của cô giáo cũng phải linh hoạt.
Do thể trạng không được khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa khác nên đều đặn 2 lần mỗi ngày, các em phải uống thuốc kháng virus HIV. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào tới sức khỏe cũng như nhận thức của trẻ. Có những em hôm trước cô dạy rất hiểu bài, đọc và viết được nhưng tới hôm sau hỏi thì lại không nhớ gì. Do đó, cô lại tiếp tục rèn đi rèn lại cho các em từ kỹ năng nhỏ nhất.
Về chương trình, cô giáo vẫn dựa theo khung chương trình giáo dục phổ thông và lựa chọn các phần kiến thức phù hợp để dạy. Không chỉ đứng trên bục giảng, các cô thường xuyên xuống tận nơi để cầm tay hướng dẫn trẻ tập viết, tập tô hay đọc bài, làm phép toán đơn giản. Tuy nhiên, có những hôm học sinh mệt hay ốm đau, cô giáo vừa dỗ dành, chỉ bảo. Vì thế, trong tâm trí mỗi đứa trẻ nơi đây luôn coi cô giáo như mẹ của mình.
Cô Phùng Thị Thúy Hà (trái) và cô Đinh Thị Thủy vẫn cần mẫn bám lớp. Ảnh: Đình Tuệ |
Mong sĩ số về 0
Đến với nơi đây từ năm 2006, cô Đinh Thị Thủy có biết bao kỷ niệm với nhiều thế hệ học trò ở lớp học đặc biệt này. Cô kể, thời điểm đông nhất lớp học có tới vài chục em ở các lứa tuổi. Cô Thủy phải lựa tâm tính từng em cũng như mức độ nhận thức để có phương pháp dạy thích hợp. Các em vốn nhạy cảm và chưa qua lớp mầm non nên có những bài, cô trò phải rèn luyện cả tuần, thậm chí nhiều tuần trẻ mới viết và đọc bài thành thục.
“Ban đầu khi nghe nói tôi nhận nhiệm vụ dạy trẻ nhiễm HIV, nhiều người thân và bạn bè tỏ vẻ hoài nghi rồi khuyên nên suy nghĩ lại. Chẳng ai lại tự đưa mình vào vòng nguy hiểm khi hàng ngày tiếp xúc với những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nhưng kỳ thực, với trái tim của một người mẹ cũng có con tầm tuổi đó và lương tâm của nhà giáo đã thôi thúc tôi quyết tâm bám lớp để kèm cặp, chăm sóc và dạy dỗ các em.
Chúng tôi đều được cán bộ của trung tâm tập huấn rất kỹ về các biện pháp phòng tránh phơi nhiễm HIV để giữ an toàn cho chính mình. Càng gắn bó càng thấy yêu thương các em. Học trò cũng coi các cô như người mẹ là hạnh phúc lắm rồi”, cô Thủy tâm sự.
Theo tìm hiểu, mỗi học sinh nơi đây đều là những mảnh ghép vô cùng éo le của cuộc đời. Em bị bố mẹ bỏ rơi ở đường hoặc cổng chùa, sau đó có người đem về, qua xét nghiệm bị nhiễm HIV nên đã gửi vào trung tâm cai nghiện. Các em đã thiếu may mắn khi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo từ lúc chưa lọt lòng, nhưng lại thiệt thòi lần nữa khi vừa sinh ra đã bị người thân ruồng bỏ.
Thấu cảm trước cảnh đời ngang trái đó, các cán bộ của Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đã tiếp nhận tất cả những trường hợp để chăm sóc, dạy dỗ. Khi trẻ đủ 6 – 10 tuổi, các em được nhận vào lớp học đặc biệt để các cô giáo dạy học.
Trong tâm trí của cô Thủy và cô Hà, hình ảnh những cô cậu học trò luôn bứt rứt, chạnh lòng vào mỗi dịp Tết đến Xuân về không được người nhà lên thăm nom càng khiến các cô thêm quặn lòng. Có em hồn nhiên nói với cô: “Tết này không có ai lên đón về nhà ăn Tết nên con buồn lắm”.
Lúc đó, các cô đều nói sẽ cho về nhà cô chơi nên các em ai cũng mừng rỡ. Về nhà cô, em thì cầm chổi quét nhà, em rửa và lau lá dong, chuẩn bị gói rồi luộc bánh chưng khiến cho ngôi nhà trở nên ấm cúng lạ thường. Và cứ thế, sơi dây liên kết tình cảm giữa cô và trò tựa như tình mẫu tử dần được kết dính và ngày càng gắn bó qua năm tháng. Trẻ tâm sự với cô về ước mơ sau này hay những chuyện thầm kín cá nhân.
“Động lực giúp chúng tôi bám lớp bên trò cho đến nay chính là tình yêu thương và sự tâm huyết vì đàn trẻ thơ ngây. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn mong sĩ số lớp học sẽ ngày càng ít đi và tiến tới về 0, đồng nghĩa với việc sẽ không còn em nào bị thiếu may mắn khi phải mang trong mình căn bệnh HIV do lây nhiễm từ bố mẹ. Lứa học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học sẽ được định hướng học tiếp bậc THCS và cao hơn hoặc đi học nghề.
Có những em đến nay có nghề nghiệp ổn định, lấy chồng và sinh con đều khỏe mạnh. Khi các em biết cách để phòng tránh thì mọi việc đều trong tầm kiểm soát, ngay cả việc sinh con. Các em về thăm, các cô phấn khởi vô cùng, đó là món quà vô giá mà chúng tôi luôn mong ước chứ không phải là danh hiệu nọ hay thành tích kia”, cô Phùng Thị Thúy Hà chia sẻ.
Bà Phùng Thị Thúy Hường, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, trao đổi, sự đồng hành và đóng góp của hai cô giáo tại lớp học dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt trong nhiều năm qua vô cùng trân quý. Các cô thực hiện theo đúng chuyên môn của ngành Giáo dục, nhưng vẫn phải kiêm thêm nhiều vai trò khác để có thể quản lý, dạy dỗ học sinh. Bên cạnh đó, cán bộ tại đây thường xuyên nhắc nhở các em tuân thủ đúng phác đồ điều trị cũng như lịch uống thuốc ARV hằng ngày để ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể. Cô Thủy và cô Hà là những người cống hiến thầm lặng vì cộng đồng.