Học nhờ ở hội trường thôn, nhà văn hóa
Nhà văn hóa thôn Hồ Voi (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) rộng chừng 100m2. Căn phòng nhỏ với những bộ bàn ghế cũ kĩ, sập sệ là nơi học tập của hơn 30 học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý.
Giữa gian phòng nhỏ, chiếc bảng đen đã bạc màu. Những hình ảnh, bông hoa, con vật… được giáo viên cắt tỉa cẩn thận để giúp học sinh hứng thú hơn trong giờ học.
Cô Trần Thị Thu – giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý cho hay: Tôi công tác tại trường được hơn 10 năm. Tuy nhiên, điều kiện sống và học tập của các em tại điểm trường thôn Hồ Voi và một số điểm khác vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Cũng theo cô Thu, trường không chỉ thiếu thốn cơ sở vật chất mà còn không có nhà vệ sinh để sử dụng. Hàng ngày, trò đi vệ sinh trong bô rồi giáo viên mang sang nhà dân đổ nhờ. Những em lớn hơn, giáo viên dẫn sang nhà vệ sinh của người dân đi nhờ. Không những vậy, thiếu nước sử dụng nên giáo viên tranh thủ thời gian rảnh rỗi gánh nước về cho học sinh rửa mặt, chân tay.
Tương tự, điểm trường ở hội trường thôn 9 (xã Vụ Bổn) cũng chật hẹp, bàn ghế hư hỏng, tạm bợ. 55 cháu khi đi học không có nước sử dụng và nhà vệ sinh đã xuống cấp.
Cô Trần Thị Thúy – Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý cho biết: Trường cách trung tâm huyện Krông Pắk hơn 40km, với 9 điểm trải đều ở 13 thôn làng, 25 giáo viên tham gia giảng dạy. Trường có hơn 400 học sinh, đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có 200 em học sinh của 5 điểm trường phải học nhờ tại các hội trường, nhà văn hóa thôn, buôn. Do đó, giáo viên luân phiên nhau về các hội trường thôn, buôn để giảng dạy.
“Điều kiện của các em nơi đây vô cùng khó khăn. Do đó, nhà trường mong có điểm trường khang trang hơn để thầy cô, học sinh yên tâm dạy và học”, cô Thúy tâm sự.
Rà soát tổng thể
Ông Trần Văn Sáu – Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn thông tin: Trên địa bàn xã có nhiều quỹ đất trống dành cho việc xây dựng các điểm trường. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chưa có để hiện thực hóa việc xây dựng.
“Chúng tôi mong sẽ xây dựng được 3 phòng học tại thôn 9 và Hồ Voi cho gần 100 em đang học tập. Tại các điểm trường này nếu có nhà vệ sinh và nước sạch, giáo viên, học sinh sẽ bớt đi phần nào khó khăn”, ông Sáu nói.
Ông Phạm Xuân Vinh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Krông Pắk trao đổi: Toàn ngành có 100 trường cần xây dựng nhưng kinh phí hạn hẹp. Theo ông Vinh, không chỉ các điểm trường thôn, buôn thiếu cơ sở vật chất mà ngay cả điểm trường chính cũng xuống cấp, cần trùng tu và xây dựng thêm.
Còn bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) thông tin: Năm học 2020 - 2021, toàn huyện đã và đang xây dựng 33 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, do có nhiều điểm trường nên một số nơi vẫn chưa đáp ứng đủ.
Theo bà Trinh, đơn vị sẽ làm việc với Phòng GD&ĐT để nắm bắt khó khăn tại các điểm trường trên địa bàn, tìm phương án giải quyết. Trong đó, sẽ ưu tiên xây dựng những công trình là nhu cầu thiết yếu của học sinh, trước hết là nhà vệ sinh.
Cũng theo bà Trinh, trên địa bàn xã Vụ Bổn có dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do với quy hoạch thêm 2 trường mầm non. Tuy nhiên, dự án kéo dài nên các cháu phải học tạm tại nhà văn hóa, hội trường thôn buôn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ rà soát tổng thể, chỗ nào cấp bách phải đầu tư xây dựng.