Thanh Hóa: Thiếu cơ sở vật chất, nhiều trường mầm non kêu cứu

GD&TĐ - Tại nhiều nơi trên địa bàn Thanh Hóa, tình trạng thiếu cơ sở vật chất dẫn đến quá tải học sinh ở bậc mầm non khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng về chất lượng giáo dục và an toàn cho trẻ khi đến trường.

Tình trạng quá tải học sinh đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mầm non. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Tình trạng quá tải học sinh đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mầm non. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Nỗi lo về an toàn cho trẻ

Tại huyện Nông Cống, nhiều trường mầm non đang trong tình trạng xuống cấp, học sinh quá tải, thiếu giáo viên, không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Cô Lê Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai - chia sẻ: Nhà trường có 2 dãy nhà gồm 9 phòng học. Trong đó, 1 dãy nhà gồm 6 phòng học được xây dựng năm 2009; 1 dãy 3 phòng được xây dựng từ năm 1994 đã xuống cấp, dột, rạn nứt không sử dụng được.

Tuy nhiên, từ năm học 2013 - 2014, học sinh ngày càng tăng nên nhà trường phải cải tạo lại 3 phòng học xuống cấp để làm phòng học cho học sinh và dùng làm văn phòng. Những hôm trời mưa to, phòng bị dột, ngấm nước, các cô phải kê dồn bàn ghế, đồ đạc lại để che cho khỏi ướt.

Năm học này, nhà trường có 275 học sinh, tăng thêm hơn 30 cháu so với năm trước, khiến cho nhà trường bị quá tải học sinh; có 2 lớp gần 50 học sinh/ lớp.

Trong khi đó, phòng học chỉ khoảng 45 m2, được xây dựng nhiều năm, không có kho chứa đồ dùng của học sinh nên rất chật chội. Do cơ sở vật chất nhà trường không đáp ứng được nên có nhiều trường hợp, nhà trường phải tư vấn cho phụ huynh nộp đơn đến trường khác để giảm tải học sinh. Nếu huy động hết số trẻ theo địa bàn của Trường mầm non Hoa Mai thì trường phải có hơn 400 học sinh với 15 lớp.

Trước tình trạng trên, nhà trường đã đề xuất lên chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục. Theo kế hoạch, trường sẽ được chuyển sang khu vực khác để xây dựng mới. Tuy nhiên, nhà trường cũng chưa biết cụ thể năm nào sẽ tiến hành xây dựng.

Cùng chung tình trạng trên, năm học 2016 - 2017, Trường mầm non Hải Ninh (xã Hải Ninh, Tĩnh Gia) có 652 trẻ nhập học, tăng gần 50 trẻ so với năm học 2015 - 2016. Trường có một khu trung tâm với 9 lớp nhưng chỉ có 6 phòng và 9 khu lẻ gồm 12 lớp học.

Đối với khu trung tâm, do thiếu phòng học nên phải tận dụng cả kho chứa đồ, phòng hiệu trưởng để làm lớp học. Sau 10 năm xây dựng, trường, lớp ở khu trung tâm đã xuống cấp nghiêm trọng. Những ngày mưa, trần dột, tường nứt, nước ngấm, chảy xuống lớp học.

Bên cạnh đó, công trình phụ của nhà trường cũng thiếu thốn. Hơn 200 trẻ và gần 30 cán bộ, giáo viên, nhân viên tại đây chỉ có duy nhất 1 nhà vệ sinh nằm cách xa khu lớp học khoảng gần 200 m. Riêng với các điểm lẻ, nhà trường phải mượn nhà văn hóa của các thôn để làm lớp học cho các em.

Tuy nhiên, tại các điểm lẻ, không thể tổ chức bán trú cho học sinh do không có nhà bếp, cơ sở vật chất chật chội lại vừa không có nhà vệ sinh kiên cố. Tại đây, có lớp lên tới 60 - 65 trẻ. Hiện trường mầm non Hải Ninh có 21 nhóm lớp nhưng chỉ mới có 6 phòng học kiên cố. Trên thực tế, nhà trường còn thiếu 15 phòng học.

Chủ tịch xã Hải Ninh, ông Lê Đình Phương, cho biết: Có những đợt mưa to, chúng tôi phải thông báo cho học sinh nghỉ học 1 tuần. Mưa to, sân trường ngập trắng, nước trên trần không có chỗ thoát, các phòng học đều dột, ngấm.

Nếu không khắc phục sẽ gây rất nhiều nguy hiểm cho cả cô và trò. Để đảm bảo cho học sinh học tập, vừa qua, UBND xã Hải Ninh cũng đã trích một phần ngân sách và cùng với nguồn xã hội hóa để tu sửa phần mái và khu sân chơi cho trường nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời còn về lâu dài, chắc chắn sẽ không ổn vì trường đang có hiện tượng lún móng.

Cũng theo thống kê, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia còn có nhiều trường cùng chung “cảnh khổ” về cơ sở vật chất. Hiện nay, toàn huyện có 15/34

Ảnh hưởng chất lượng giáo dục trẻ

Trường mầm non Hoa Mai - Thị trấn Nông Cống. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Trường mầm non Hoa Mai - Thị trấn Nông Cống. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
 

Số lượng học sinh mầm non ra lớp ngày càng tăng, trong khi cơ sở vật chất không được đầu tư thêm đã dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều trường mầm non. Tình trạng này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của các nhà trường.

Ông Vũ Ngọc Phan - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống - cho biết: Nhiều năm nay, cơ sở vật chất cho các trường học không được đầu tư nhiều, hầu hết các trường trên địa bàn huyện đều được xây dựng đã nhiều năm nên cơ sở vật chất xuống cấp, phòng học chật chội không còn phù hợp với điều kiện học tập theo tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay.

Trong khi đó, những năm gần đây, tỷ lệ trẻ ra lớp ngày càng tăng. Năm học 2016-2017, huyện Nông Cống đã huy động nhóm trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi đạt 28%; từ 12-36 tháng tuổi đạt 20%; 3-5 tuổi đạt 96%, trẻ 5 tuổi đạt 100%.

Học sinh ngày càng tăng, cơ sở vật chất không được đầu tư xây dựng khiến nhiều trường mầm non quá tải học sinh và thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế lớp học.

Hiện nay, hầu hết các trường đều bị quá tải ở lớp nhóm tuổi mẫu giáo, trung bình từ 45-60 học sinh/lớp. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ ở các trường mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ