Lớp học của bà giáo nghèo

GD&TĐ - Duy trì lớp học tình thương trên 30 năm, bà giáo Nguyễn Thị Đỏ (76 tuổi, ngụ phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) ngày ngày vẫn cần mẫn gieo chữ. Ngần ấy năm là ngần ấy tâm huyết của một cô giáo nghèo về vật chất nhưng giàu lòng nhân ái.

Cô Ba Đỏ cần mẫn chỉ bài cho từng em HS
Cô Ba Đỏ cần mẫn chỉ bài cho từng em HS

Gieo chữ từ ngôi nhà sàn dưới bến sông

Cô giáo Nguyễn Thị Đỏ vẫn được mọi người hay gọi với tên “cô Ba Đỏ” đúng chất Nam Bộ; còn học trò quen gọi bà là “bà Ba”. Ngôi nhà cô đang ở với khoảnh sân dựng nhà tiền chế có diện tích trên 30m2, bên hông được che bằng miếng lưới che mưa nắng - đó cũng chính là lớp học tình thương.

Lớp học đơn sơ chỉ có 7 bộ bàn ghế gỗ, bảng đen, phấn trắng mà đã dạy cho hàng ngàn học trò trên địa bàn thị xã Ngã Bảy biết chữ, học tốt, trở thành người có ích cho xã hội.

Cô Ba Đỏ từng có thời gian học sư phạm, rồi làm giáo viên. Cơ duyên mở lớp tình thương đến với cô sau những lần cô chỉ dạy đứa con trai học bài. “Lúc đó mấy đứa trẻ chừng 14, 15 tuổi trong xóm bắt ốc hái rau thấy tôi dạy cho con cái trong nhà, thì mới xin cho chúng được học vì chúng nói là không biết chữ thấy xấu hổ, và muốn được đi học. Tôi thương tình mới nói là mấy đứa mua tập viết lại đây cô dạy cho và không lấy tiền.

Ban đầu chỉ có trên 10 em, dần dần nhiều em nữa kéo đến học; mà nhà sàn ngay bờ sông tôi sợ sập nên chia ra hai buổi để dạy. Không có bàn ghế, nhà tôi đóng cho mỗi em cái ghế cây nhỏ, gia cảnh khó khăn nên sách vở cũng không có, tôi dạy cho các em từ chính phần kiến thức mình nhớ được” - cô Ba Đỏ bày tỏ.

Bám trụ ở quê nhà Ngã Bảy, tha thiết được đi dạy như lời cha vẫn hay nói “đi học để nhờ tấm thân”, nhưng không còn giấy tờ bằng cấp chứng minh mình là giáo viên, cô Ba Đỏ rất trăn trở. May mắn thay được học trò đón nhận, cô Ba đã tìm lại niềm vui nghề nghiệp, trở lại cương vị của một nhà giáo, là một nhà giáo đúng nghĩa “cô giáo làng của học trò nghèo”.

Cô kể lại: “Thiếu thốn sách giáo khoa tôi phải mượn sách của một số em để ghi chép lại bài học các môn chính như Toán, Tiếng Việt, rồi xem bài kĩ lưỡng hôm sau dạy cho những trẻ khác không có sách. Chỉ có cách đó thôi cô và trò phải cố gắng mới giúp các em xóa mù chữ, học giỏi hơn được”.

Chuyển từ nhà sàn lên ngôi nhà xây có sân tráng xi măng, lớp học của cô Ba Đỏ đã tăng số lượng hàng trăm em mỗi năm. Vẫn là lớp học miễn phí, chỉ có bàn ghế được cô Ba trang bị những cái ghế nhựa tốt hơn cho các em. Sang hơn nữa là những bộ bàn ghế gỗ cũ được cô mua về từ 300.000 đồng tiền vay mượn.

Chỗ ngồi học tuy không thoải mái như ở trường học nhưng các em vẫn muốn được học với cô. Lan tỏa tinh thần nhân văn, đã có mạnh thường quân hỗ trợ bàn ghế giúp học trò cô có chỗ ngồi thuận tiện như hiện nay.

Lớp học tình thương đơn sơ tại sân nhà của cô Ba Đỏ
  • Lớp học tình thương đơn sơ tại sân nhà của cô Ba Đỏ

Dạy học là lẽ sống

Cô Ba Đỏ kể, cô không từ chối, em nào muốn học cô đều dạy hết. Học trò của cô là những em nghèo khó hiếu học, hoặc có điều kiện nhưng vẫn muốn đi học ở đây. Nhiều em nhỏ bán vé số không được đến trường, có em được mẹ xin cho đi học cô nhận rồi bắt đầu dạy cho biết chữ, mở rộng thêm kiến thức các môn học khác.

Đều đặn mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, con đường nhỏ vào nhà cô hơi khó đi nhưng luôn tấp nập HS ra vào. Có em đạp xe chừng 5km, có em được cha mẹ chở đến. Dù đã tận dụng hết sân làm chỗ học, bàn ghế ít ỏi không đủ chỗ ngồi, nên em nào đến trước học trước, học xong lại nhường chỗ cho bạn khác.

“Tôi dạy từ thứ Hai đến thứ Sáu cho các em học một buổi, còn cuối tuần để dạy cho những em học bán trú. HS đông, rất nhiều em ham học nán lại buổi trưa giải bài, có hôm không kịp ăn cơm tôi cũng ráng giúp các em giải bài tập. Trò còn học thì làm sao cô giáo nghỉ được” - cô Ba Đỏ quan niệm.

Theo thầy Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang): “Cô Nguyễn Thị Đỏ được mọi người biết đến với việc làm ý nghĩa như dạy học không lấy tiền, tấm lòng của cô được rất nhiều lớp HS ghi nhận. Bản thân cô Ba rất tâm huyết, dù tuổi cao nhưng cô vẫn tiếp tục dạy cho các cháu. Những đóng góp của cô là tấm gương điển hình, khuyến khích cho tất cả giáo viên về hưu tích cực tham gia các hoạt động với cộng đồng…”. 

Cô dạy được tất cả các môn, từ Khoa học tự nhiên cho đến Khoa học xã hội rồi Anh ngữ. HS hiện nay được học nhiều chương trình mới, cô chủ động mượn sách của mấy em xem lại để giảng giải cho em đó hiểu bài học.

Dù đã có tuổi nhưng cô luôn có ý thức trau dồi chuyên môn, thể hiện trách nhiệm cao, bắt kịp cách dạy học đổi mới, giảng dạy sao cho hài hòa chương trình trường học và học tại nhà giúp HS dễ hiểu. Nếu cứng nhắc một phương pháp thì HS loay hoay, cô mong muốn sao các em đến lớp phải hiểu được bài, ra về phải làm được bài.

Dành cả ngày cho HS, buổi tối cô Ba Đỏ lại tận tụy soạn bài, mấy mươi năm trôi qua cô vẫn giữ nền nếp dạy học như thế. Thời khóa biểu hôm sau học môn gì, bài nào khó, HS đưa cô xem trước để chuẩn bị, hôm sau tất cả các câu hỏi sẽ được cô giải đáp. Phần lớn thời gian cuộc đời dành cho nghiệp trồng người, nghe tiếng học trò ríu rít mỗi ngày được dạy trở thành một phần cuộc sống, cô Ba Đỏ không quen với sự nghỉ ngơi nhàn rỗi, chỉ mong sao được mau gặp học trò.

Đến nay đã có hàng ngàn HS được cô chỉ dạy, có em được cô dạy suốt chín năm liền, nhiều học trò của cô ngày xưa đã trở thành bác sĩ, công an, kỹ sư xây dựng… Khi có dịp được về thăm cô giáo năm nào, cô trò bồi hồi nhắc lại kỉ niệm xưa cũ. Được HS nhớ đến chính là nguồn động viên lớn để cô Ba miệt mài gieo chữ. Ở bên kia dốc cuộc đời cô, luôn mong mỏi được dạy đến khi không còn được nữa thì thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ