"Lớp học làm người" - sự cho đi sẽ còn mãi

GD&TĐ - Với tác giả Huỳnh Hoàng Thành, khi viết “Lớp học làm người” để lan tỏa việc làm tốt của cô giáo Thiết, để mọi người cùng chung tay lo cho các em được tốt hơn, giúp các em biết đến con chữ, sống thành người tốt.

Lớp học không tốn tiền

Là một phóng viên chuyên viết cho mảng thời sự phát thanh 10 năm nay, tác giả Huỳnh Hoàng Thành cho biết bản thân tự tin là một người đi nhiều nơi, viết nhiều cái mới lạ trong toàn tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên, lớp học tình thương của cô giáo Thiết (Lê Thu Thiết) ngụ tại khóm 6 phường 6, TP Cà Mau gần 20 năm nay mà anh cũng như các bạn làm truyền thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa hề biết đến thì quả là một điều thiếu sót. 

Tác giả Huỳnh Hoàng Thành chia sẻ: hôm đó, vào một ngày mưa, anh đã men theo con đường đất gần nghĩa trang đoạn qua bệnh viện tỉnh Cà Mau để theo chân một bạn học sinh nhỏ (với sổ sách để đến lớp học được đựng trong bọc nilong làm anh vô cùng ấn tượng). 

Tác giả đã lần dò trên con đường ven sông khoảng 1 km, để đi theo cậu bé đến lớp học mà theo lời kể của cậu thì đó không phải trường học nhưng có đến tận mấy chục em đủ lứa tuổi, làm đủ nghề như lượm ve chai, bán vé số, lặn sông mò phế liệu theo học mà không tốn tiền.

Lớp học của cô Thiết với đủ lứa tuổi học sinh theo học.
Lớp học của cô Thiết với đủ lứa tuổi học sinh theo học.

Đến lớp, tác giả Huỳnh Hoàng Thành bị ấn tượng mạnh và hút theo lời giảng của cô giáo Thiết, bởi việc làm hết sức bình dị của cô. Cũng từ suy nghĩ của cô Thiết là “làm được gì cho các em thì làm, không cần phô trương nên lớp học này đã tồn tại ở đây nhiều năm mà ít ai biết đến”. 

Những lời giảng của cô, những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của các em, những đôi chân trần, những cái đầu tóc đỏ tươi vì nắng, vì gió của các em đã ám ảnh anh trong suốt quảng đường về, từ đó đã thôi thúc tác giả Huỳnh Hoàng Thành quyết định viết ra phóng sự “Lớp học làm người”. 

Phần quà mà các em học sinh nhận được chính là phần thưởng đáng quý nhất đối với tác giả

Đối với tác giả Huỳnh Hoàng Thành, khi đặt bút viết, kể lại một câu chuyện thì không hề nghĩ sẽ đạt giải báo chí nào đó. Bởi đầu tiên, đơn thuần tôi chỉ nghĩ “sao mà các em trong lớp học khó khăn quá, sao mà việc làm tốt như vậy của cô giáo Thiết lại không được nhiều người biết đến và làm cách nào để mọi người biết đến lớp học này để mọi người cùng chung tay với cô Thiết lo cho các em được tốt hơn, giúp các em biết đến con chữ, sống thành người tốt”.

Và cũng từ suy nghĩ đó nên tác giả Huỳnh Hoàng Thành muốn bài viết của mình được nhiều người biết đến, việc làm tốt của cô giáo Thiết được lan tỏa nên tôi đã gửi dự thi bài viết này đến Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam 2021".

Và thật bất ngờ và vui sướng khi vượt qua rất nhiều tác phẩm, tác giả khác, tác giả Huỳnh Hoàng Thành đã đoạt giải và biết rằng mọi người đã giống như anh, nể phục, chia sẻ với hành trình tìm con chữ của các em. 

Các em nhỏ theo học tại lớp học của cô Thiết.
Các em nhỏ theo học tại lớp học của cô Thiết.

Những tháng gần đây, tác giả Huỳnh Hoàng Thành liên tục nhận thông tin từ cô Thiết rằng: “Các học trò của cô nhận được sự hỗ trợ từ mạnh thường quân, nhận được sự giúp đỡ của mọi người về gạo, mì, sổ sách và thậm chí có khi là một bữa tiệc nhân dịp Trung thu…” đối với anh đó là phần thưởng đáng quý nhất. 

Thông qua đó, tác giả Huỳnh Hoàng Thành hi vọng rằng phần thưởng của mình sẽ lớn hơn nữa khi mà tác phẩm được giải, được công bố và được nhiều người biết đến lớp học hơn.

Ngoài ra, dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục tuy nhiên theo tác giả Huỳnh Hoàng Thành, cần những chính sách để giúp cho các giáo viên “bất đắc dĩ” như trong bài viết (những giáo viên tại các lớp học tình thương làm việc không lương, không trợ cấp…) để họ có thêm một niềm tin rằng làm việc tốt thì xã hội sẽ tri ân mình. Để họ có thêm niềm tin, động lực vượt qua những khó khăn của cuộc sống và hết lòng với việc truyền dạy con chữ cho thế hệ mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ