Ở đó, người ta chỉ thấy một thầy giáo già cần mẫn, kiên trì chỉ dạy cho biết bao học trò nghèo trưởng thành. Đó là lớp học của thầy Ngô Bá Đàn mà khi nhắc đến ai nấy đều cảm phục
Cái duyên nghiệp bảng đen phấn trắng
Đến thăm lớp học của thầy, ít ai tưởng tượng được cái lớp học nhỏ giữa đồi vải thiều xanh ngắt ấy lại là nơi chắp cánh ước mơ cho bao học trò nghèo của xã Tân Trung và các xã lân cận huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt hơn bởi đây là lớp học của một thầy giáo già nhưng vẫn cứ đau đáu về nghề dạy học.
Tranh thủ thời gian cho học sinh làm bài tập, thầy kể cho chúng tôi nghe về lai lịch và sự ra đời của cái lớp học đặc biệt, mà theo thầy đó đúng là cái duyên của nghề đối với thầy. Năm nay, thầy đã bước vào tuổi 76, là giáo viên nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Vốn là người ham việc, ngồi nhàn rỗi là không chịu được thầy tìm mua bò để đi chăn và trong 11 năm thu được 11 con bê, vừa có thu nhập, vừa đỡ cảnh nhàn rỗi, thế nhưng trong thầy vẫn cảm thấy chống chếnh với nỗi buồn vì xa lũ trẻ, xa công việc dạy học thân quen mà thầy gắn bó mấy chục năm trời.
Năm 1995, như một cơ duyên định sẵn, một số gia đình hàng xóm nhờ thầy kèm cặp, bồi dưỡng con em họ để chuẩn bị thi vào cấp 3. Điều này làm thầy vô cùng vui mừng và phấn chấn. Thầy kể lại, dù bao nhiêu năm trong nghề dạy học, nhưng cái sự xúc động, hồi hộp để được đứng lớp lại không kém gì ngày buổi đầu bước vào nghề dạy học.
Thế rồi thầy dành một gian nhà mở lớp, rồi hạ cánh cửa xuống làm bàn, giường thì làm ghế, còn bảng thì lấy một tấm gỗ sơn đen. Buổi học đầu tiên thầy phấn chấn bao nhiêu, thì sau buổi dạy lại băn khoăn bấy nhiêu, bởi qua kiểm tra thầy phát hiện các cháu không chỉ kiến thức yếu, hổng nhiều, mà chữ viết cũng xấu quá.
Thế là thầy vừa tiến hành ôn luyện kiến thức, vừa mải công việc rèn rũa cho từng cháu, từ cách nói năng, đi đứng đến ngồi đọc sách, viết chữ, đến cách làm một bài văn…
Cứ như vậy hết Tiếng Việt lại Toán; được cái học trò đều ngoan, lại chăm chỉ nên sau thời gian được thầy dạy dỗ, các em đã tiến bộ trông thấy và đều thi đỗ vào cấp 3 hoặc vào được các trường đại học. Từ đó lớp thầy có tiếng và đông dần. Học sinh từ các xã trong huyện như Phúc Hòa, Tân Trung, Nhã Nam, rồi ở Tân Sỏi, Bố Hạ huyện Yên Thế cũng về xin học tại nhà thầy càng đông, khiến thầy thêm bối rối bởi, không thể nhận cháu này bỏ cháu khác.
Vào năm 2005, thầy bàn với gia đình gom góp lương hưu mua bảng cùng 10 bộ bàn ghế, sắm thêm 4 cái quạt điện và quyết định dành toàn bộ cơ ngơi ngôi nhà 3 gian mà thầy xây cho người con trai cả để làm lớp học.
Lớp học không học phí, chỉ có tình thương và kiến thức
Thế nhưng điều mà người dân nơi đây khâm phục hơn khi mà suốt từng ấy thời gian mở lớp dạy học, thầy Ngô Bá Đàn không thu một đồng học phí nào, chỉ thu tiền điện và nước uống, trong khi gia cảnh thầy cũng chưa có gì khá giả.
Lương hưu của thầy chưa đầy 4 triệu đồng/tháng; vợ thầy vốn là cấp dưỡng Trường Văn hóa bổ túc học sinh Lào, nghỉ mất sức cũng chỉ được có mấy trăm nghìn một tháng. Nhất là những năm cuối thế kỷ 20, kinh tế gia đình thầy rất khó khăn, hai vợ chồng lương ba cọc ba đồng nuôi 4 con ăn học nhiều lúc phải gồng mình lên. Nhưng chưa bao giờ thầy tính chuyện thu học phí của các trò.
Bởi theo thầy đa phần là các cháu nhà nghèo, nên mới tìm đến lớp học của thầy, vậy thu học phí thì các cháu lấy gì mà theo. Hơn nữa chính những năm đứng lớp dạy thêm đã cho thầy được trở về với nghề và tiếp tục dạy bảo cho các trò, nhất là với các trò có hoàn cảnh khó khăn.
Tính đến nay, từ ngày mở lớp, thầy đã dạy cho trên 200 cháu và tất cả đều đỗ vào THPT, nhiều cháu có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, của huyện, trên 50 cháu đã và đang theo học tại các trường đại học. Các cháu sau khi trưởng thành, rỗi rãi vẫn ghé qua thăm thầy, thăm lớp và nhiều cháu còn hỗ trợ lại lớp học của thầy, cùng thầy chăm lo đến lớp trẻ. Các gia đình học sinh cũng dần dà đi lại thành chỗ thân tình với gia đình thầy.
Chia sẻ với chúng tôi, một phụ huynh và cũng là người hàng xóm của thầy cho biết: Ở xã này, hầu hết các cháu học sinh đều được thầy dạy bảo... Có rất nhiều học sinh sau khi được thầy rèn chữ, dạy học đã có thành tích học tập rất tốt, thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng như: Hai con của gia đình anh Lâm ở xóm Ngoài, xã Tân Trung, hoặc bốn con của anh chị Tình ở thôn Cạng, xã Phúc Hòa, trong đó ba người đã học xong đại học có công ăn việc làm, cháu út đang học năm thứ ba Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chính vì thế mà giờ đây cái lớp học không tên gọi và cũng không có tiếng trống khai giảng của thầy, nhưng lại như thể là “mảnh đất lành” để cho những đàn chim là những học trò nghèo tìm đến học tập, và là nơi mà người dân nơi đây tự hào, cảm phục về một người thầy đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng luôn toàn tâm toàn ý với lớp trẻ.