Thiếu giáo viên tiếng Anh
Trước thực trạng con mình lên lớp 3 được nhà trường thông báo không thể triển khai được chương trình tiếng Anh, nhiều phụ huynh ở huyện Hương Khê lên mạng xã hội nêu lo ngại và bức xúc; một số phụ huynh gửi thông tin về Báo GD&TĐ kêu cứu. Chúng tôi tiến hành xác minh nguyên nhân từ lãnh đạo Phòng GD&ĐT và hiệu trưởng một số trường tiểu học tại địa bàn.
Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT Hương Khê khẳng định: “Nguyên nhân do thiếu 17 giáo viên nếu thực hiện đúng theo đề án 4 tiết/tuần đối với học sinh khối lớp 3, 4, 5”. Theo số liệu vị trưởng phòng này cung cấp, tính riêng khối lớp 3, 4, 5 toàn huyện có 177 lớp với 5.200 học sinh. Nếu thực hiện đúng đề án tiếng Anh của Bộ GD&ĐT quy định, mỗi tuần cần có 708 tiết dạy, trong khi đó toàn huyện chỉ có 14 giáo viên tiếng Anh với định lượng 23 tiết/giáo viên/tuần mới đảm bảo được 322 tiết dạy; còn thiếu hụt 386 tiết”.
Ông Hùng cũng cho biết: “Năm học 2018 – 2019, huyện Hương Khê chỉ thực hiện 4 tiết tiếng Anh/tuần đối với khối lớp 3 (năm nay khối lớp 4) còn số học sinh khối lớp 4 lên khối lớp 5 năm học 2019 – 2020 chỉ thực hiện 2 tiết/tuần nên giảm được 116 tiết tương đương với 5 biên chế giáo viên. Như vậy, nếu thực hiện dạy tiếng Anh đối với lớp 3 vẫn thiếu 12 giáo viên”.
Trước câu hỏi vì sao những năm học trước cấp tiểu học huyện Hương Khê vẫn thực hiện được việc dạy tiếng Anh từ khối 3 đến khối 5 mà năm nay lại không thể thực hiện được? vị trưởng phòng giải thích: “Những năm trước, huyện thực hiện chế độ hợp đồng từ ngân sách Nhà nước đối với 14 giáo viên tiếng Anh nên đủ giáo viên. Tuy nhiên, năm nay, thực hiện Nghị định 161 của Thủ tướng Chính phủ không được thực hiện chế độ hợp đồng đối với đơn vị hành chính sự nghiệp nên UBND huyện có thông báo chấm dứt hợp đồng đối với 14 giáo viên này”.
“Vừa rồi, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học, rất nhiều hiệu trưởng tiểu học đã khẩn thiết đề nghị Phòng GD&ĐT tìm cách tháo gỡ để trong thời gian sớm nhất số học sinh lớp 3 được học tiếng Anh. Phòng có chỉ đạo trước mắt, các nhà trường khảo sát nhu cầu học tập của phụ huynh để thực hiện bằng cách xã hội hóa (phụ huynh đóng tiền thuê giáo viên) nhưng quả thật đây là bài toán khó cho các nhà trường” - ông Hùng cho hay.
“Chúng tôi chưa biết làm sao?”
Bà Lê Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Linh cho biết: “Chúng tôi có 1 giáo viên tiếng Anh, có 3 lớp 5, 3 lớp 4 và 5 lớp 3. Với thời lượng khối 4 học 4 tiết/tuần, khối 5 học 2 tiết/tuần nhưng giáo viên chỉ dạy được 18 tiết. Thực sự, nếu không có thêm biên chế giáo viên bộ môn này, trường chúng tôi “mất trắng” tiếng Anh cho học sinh khối 3 vì phụ huynh ở đây rất nghèo, chắc chắn không thể đóng góp tiền để thuê giáo viên dạy”.
Bí bách hơn, ông Trần Trung Bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê nêu rõ quan điểm: “Để thực hiện chương trình cho khối 4 và khối 5, trường chúng tôi đề nghị Phòng GD&ĐT điều chuyển cô giáo Cao Thị Thùy ở Trường Tiểu học Lộc Yên về dạy 12 tiết. Nhu cầu và áp lực về học tiếng Anh của phụ huynh khối 3 của nhà trường là rất lớn.
Nhà trường nhận được nhiều ý kiến thắc mắc, thậm chí bức xúc chính đáng của cha mẹ học sinh mà chưa biết phải làm sao. Trước mắt, tôi đang giao cho phó hiệu trưởng tham mưu xây dựng kế hoạch, xin ý kiến lãnh đạo Phòng để họp bàn thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Nhưng nói thật, tôi vẫn chưa biết phải nói với phụ huynh như thế nào khi trong một nhà mà anh chị học ở lớp 5 không phải đóng tiền lệ phí mà đứa em học ở lớp 3 muốn học tiếng Anh thì phải đóng tiền”.
Trao đổi về những giải pháp tại chỗ và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để sớm tháo gỡ việc thiếu giáo viên, ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT Hương Khê thẳng thắn: “Chúng tôi đã làm hết phương cách để đảm bảo 100% số trường thực hiện chương trình tiếng Anh cho khối 4 và 5”.
“Toàn huyện có 14 giáo viên tiếng Anh trong biên chế thì đến 13 giáo viên (trừ tiểu học thị trấn) phải dạy cùng lúc 2 trường tiểu học để giải quyết cho đủ 126 tiết do thiếu thừa cục bộ; có giáo viên phải đi dạy cách xa đến 30km. Tất cả số giáo viên này đều phải dạy 24 tiết/tuần thừa 1 tiết so với quy định. Làm lãnh đạo để giáo viên phải cực nhọc như thế cũng nhiều trăn trở nhưng đúng là không có cách nào khác” – ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho biết thêm: “Tôi mạnh dạn kiến nghị Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ chỉ đạo việc thực hiện chế độ giáo viên biệt phái đối với giáo viên tiếng Anh vì một số huyện như Nghi Xuân, Thạch Hà thừa quá nhiều trong khi chúng tôi thiếu nghiêm trọng. Nếu không thực hiện biệt phái và không vi phạm Nghị định 161 thì cho chúng tôi được tuyển giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, hoặc đồng ý cho Hương Khê thực hiện chế độ hợp đồng để sớm thực hiện dạy tiếng Anh cho lớp 3”.
Gần đây nhất, ngày 11/9/2019, UBND huyện Hương Khê có Công văn số 1655/UBND-NV gửi UBND tỉnh và Sở Nội vụ Hà Tĩnh về việc “Hợp đồng giáo viên tiếng Anh năm học 2019 – 2020” nhưng đến nay chưa có công văn trả lời, ông Trần Đình Hùng thông tin.
Tại Công văn số 1655 nói trên do ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê kí đề xuất phương án: “Trước mắt, đồng ý chủ trương cho phép UBND huyện Hương Khê sử dụng ngân sách huyện để tiếp tục hợp đồng 9 giáo viên tiếng Anh đã giảng dạy từ năm học 2014 - 2015 để đảm bảo dạy học chương trình tiếng Anh cho học sinh tiểu học trên địa bàn và ổn định tình hình từ đầu năm học 2019 - 2020”.