Lớp học chưa từng có tại Trường ĐH Champasak

GD&TĐ - Lần đầu tiên, lớp học Tiếng Việt ngắn hạn 3 tháng dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được tổ chức tại Trường ĐH Champasak (Lào).

Các học viên tham gia lớp học Tiếng Việt ngắn hạn tại Trường ĐH Champasak (Lào).
Các học viên tham gia lớp học Tiếng Việt ngắn hạn tại Trường ĐH Champasak (Lào).

Bộ môn Tiếng Việt đã được hình thành tại khoa Giáo dục Trường ĐH Champasak hơn 4 năm qua. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng Bộ môn cũng đã tạo được sự chú ý của cha mẹ, học sinh các tỉnh phía Nam Lào.

Bên cạnh những lớp học chuyên ngành Tiếng Việt theo mô hình 2 + 1 + 1, Trưởng khoa Giáo dục cùng các thành viên trong Hội đồng chuyên môn đã phối hợp tổ chức mở thêm lớp học Tiếng Việt ngắn hạn 3 tháng dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh theo hình thức học tập 2 ngày/ tuần (thứ 7 và chủ nhật). Đây là lớp học chưa từng có tại Trường ĐH Champasak.

Lần đầu tiên mở lớp, nhưng chỉ hơn một tuần thông báo đã đón nhận 27 thành viên tham gia.

Thầy giáo và học viên tham gia lớp học Tiếng Việt ngắn hạn tại Trường ĐH Champasak (Lào).
Thầy giáo và học viên tham gia lớp học Tiếng Việt ngắn hạn tại Trường ĐH Champasak (Lào).

Chị Lạt-đa-văn làm việc tại ngân hàng chia sẻ lý do tham gia lớp học: Tôi rất thích nghe nhạc Việt, xem những clip người Việt chia sẻ trên youtube. Tôi cũng nghe giới thiệu nhiều quyển sách Tiếng Việt hay và mong muốn được đọc chúng. Mong muốn được học tiếng Việt từ rất lâu rồi nhưng đến nay tôi mới có cơ hội.

Anh Somphone Bí thư Đoàn thanh niên tỉnh Champasak thì cho biết đã từng được đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn Việt Nam, tham gia nhiều cuộc giao lưu rất vui, ý nghĩa, nhưng đều phải nhờ đến thông dịch viên. Do đó, anh muốn học tốt Tiếng Việt để giao tiếp tự tin hơn với các vị khách, nhất là các đoàn đến từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Bình Dương,…

Học viên học tập tích cực.
Học viên học tập tích cực.

Chị A-lun-sĩ là bác sĩ bệnh viện thành phố Pakse, tỉnh Champasak chia sẻ: Tất cả chúng tôi đi học là tự túc, vì những lí do cá nhân, cơ quan không yêu cầu, không tài trợ và cũng không được khen thưởng hay đề bạt chức vụ gì khi học xong. Chúng tôi mong muốn được giao tiếp với người Việt tại Champasak và khách Việt đến thăm tỉnh tôi thuận lợi hơn; đồng thời cũng mong sẽ có được cơ hội đến thăm Việt Nam.

Hiện đang là công chức của Ủy ban nhân dân tỉnh Champasak, anh Khăm-pa-chắc - lớp trưởng - mong muốn lãnh đạo tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhà trường phối hợp sâu rộng hơn nữa đến các cơ quan doanh nghiệp, trường phổ thông để mở thêm nhiều lớp học như thế này, tạo điều kiện cho mọi người được học Tiếng Việt, phát huy tinh thần học tập và học tập suốt đời trong toàn tỉnh.

Ông Bun-lái, Trưởng khoa Giáo dục, cùng các học viên.
Ông Bun-lái, Trưởng khoa Giáo dục, cùng các học viên.

Ông Bun-lái (Buonlay Khamkeo) trưởng khoa Giáo dục, Trường ĐH Champasak, cho biết rất vui mừng khi được lãnh đạo trường thống nhất cho mở lớp, nhưng cũng không khỏi lo lắng. Việc học thêm ngày thứ 7 và chủ nhật xuyên suốt nhiều tháng dành cho cán bộ như thế này bộ môn Tiếng Việt chưa từng thực hiện.

“Nhưng sau khi theo dõi lớp học hơn một tháng qua tôi thấy rất an tâm. Tinh thần học tập của các học viên rất tích cực. Trong thời gian tới, tôi sẽ xin ý lãnh đạo cấp trên, phối hợp phối hợp với các cơ quan, các ngành đề xuất mở thêm những lớp học ngắn hạn như thế này để tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên có môi trường học tập Tiếng Việt tốt hơn”, ông Bun-lái cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ