Lòng tham

GD&TĐ - Khái niệm “quan tham” đã có từ thời phong kiến chứ không phải đến bây giờ mới có. Nhưng tham do cơ chế mang lại, tức “lấy tiền của Nhà nước dễ dàng quá” thì lại khác với tham lam do không có lòng tự trọng khi hành xử với người nghèo hơn mình. Hai chuyện sau đây nói lên điều đó.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chuyện thứ nhất. Ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có ông tên Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, đang sở hữu 2 chiếc ô tô con nhưng vẫn “vui vẻ” nhận ngôi nhà tình nghĩa của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trao tặng, trị giá 250 triệu đồng.

Về tiêu chí “cựu chiến binh” thì không có gì sai với trường hợp của ông Tuấn khi nhận nhà tình nghĩa vì ông từng là lính tham gia chiến trường K và thương binh 2/4, nhưng sẽ rất sai khi chính ông lại “tự thưởng” cho mình bằng việc nhận ngôi nhà tình nghĩa từ Hội Cựu chiến binh, trong khi đồng đội của ông còn rất nhiều trường hợp đáng được nhận hơn.

Nhận ngôi nhà tình nghĩa, phổ biến ở mức 50 triệu đồng, với trường hợp ông Tuấn đã là quá đáng rồi, đằng này, ngôi nhà của ông lên đến 250 triệu đồng.

Đã thế ông còn nhận thêm cuốn sổ tiết kiệm 30 triệu đồng, thật hết biết cho ông này! Mà Hội Cựu chiến binh - nơi tặng nhà tình nghĩa, cũng hết sức quan liêu. Có vẻ như dưới đề nghị sao thì trên “duyệt” luôn chứ không cần phải xem xét tình hình thực tế của đối tượng mà Hội sẽ tặng nhà. Vì theo phản ánh của Hội Cựu chiến binh xã Thanh Điền - nơi ông Tuấn cư ngụ thì ông ta đã một lần được nhận nhà tình nghĩa rồi.

Khi thấy dư luận bàn tán về chuyện nhà giàu cũng nhận nhà tình nghĩa mà nhận tới hai lần, ông Tuấn bèn chuyển từ “nhà tình nghĩa” sang “nhà nghĩa tình”, chẳng khác gì Bộ Giao thông Vận tải chuyển từ “thu phí” sang “thu giá” cả. Người đại diện cho cơ quan dân cử ấy sẽ ăn nói với dân thế nào về sự tham lam của mình đây?

Chuyện thứ hai là 4 ông lãnh đạo ở Quảng Ngãi đang có ý định “xù” nợ Nhà nước. Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi vừa ra “trát” đòi lại số tiền mà 4 ông lãnh đạo tỉnh này đã nhận từ tiền ngân sách để cho con đi học nước ngoài với cam kết là sẽ về phục vụ tỉnh nhà nhưng học xong, các “cậu ấm, cô chiêu” này bỏ xứ đi luôn!

Chuyện này không chỉ xảy ra ở Quảng Ngãi. Ở Đà Nẵng đã từng xảy ra vụ việc như thế và chính quyền thành phố này đã chính thức kiện ra tòa, buộc những người có con du học bằng tiền ngân sách nhưng đã phá vỡ cam kết, phải trả tiền lại.

Cũng cần nói rõ rằng, số học sinh được đi du học bằng tiền ngân sách ấy đều học khá giỏi cả. Tuy nhiên, việc được chọn đi học nước ngoài không phải bằng năng lực của họ mà bằng vị trí của bố mẹ đang nắm giữ trong bộ máy lãnh đạo.

Học khá giỏi như các bạn ấy, còn có rất nhiều, kể cả con nông dân. Nhưng với kiểu chọn “người tài” để cho đi học nước ngoài như thời gian qua ở Quảng Ngãi là rất tù mù. Mọi thông tin liên quan về chuyện du học hầu như chỉ bó hẹp trong lãnh đạo. Tước đi cơ hội của người khác mà giành phần ưu đãi về mình, đó cũng là một dạng tham nhũng.

Tại một làng xa xôi ở Kon Tum, 5 người phụ nữ dân tộc thiểu số đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo dù họ chưa phải giàu có gì, vì “nhường ưu đãi ấy cho người còn khổ hơn mình”, như họ đã nói. Họ là nông dân, có lẽ ít học hơn ông lãnh đạo ở Châu Thành, tỉnh Tây Ninh và 4 ông lãnh đạo ở Quảng Ngãi, nhưng chắc chắn lòng tự trọng của họ thì có thừa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.