Lồng ruột ở trẻ nhỏ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lồng ruột là hiện tượng đoạn ruột này chui vào lòng đoạn ruột khác, có thể là đoạn ruột ở phía trên chui vào đoạn ruột ở phía dưới hoặc ngược lại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một đứa trẻ đang vui đùa, bỗng dưng khóc thắt kêu đau đớn ở vùng bụng. Cơn đau có thể lướt qua như chưa hề xảy ra nhưng cũng có thể tiếp tục tiến triển, đòi hỏi sự chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời. Bởi đó có thể là lồng ruột - một bệnh cấp cứu ngoại khoa trong lĩnh vực nhi khoa.

Xảy ra ở bất cứ vị trí nào

Lồng ruột là hiện tượng đoạn ruột này chui vào lòng một đoạn ruột khác, có thể là đoạn ruột ở phía trên chui vào đoạn ruột ở phía dưới hoặc ngược lại. Các đoạn ruột lồng vào nhau có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của ruột non hay ruột già.

Sự cố các đoạn ruột lồng vào nhau gây tắc nghẽn lưu thông trong lòng ruột. Điều đặc biệt nghiêm trọng là hệ thống mạch máu ở các đoạn ruột lồng bị đè ép, thắt chặt khiến cho máu không lưu thông, gây tổn thương tổ chức ruột bên dưới. Nếu tình trạng này không được giải quyết kịp thời, đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tử vong.

Nhìn chung, nguyên nhân của lồng ruột khó có thể xác định được một cách rõ ràng. Sau đây là các nguyên nhân thường gây ra bệnh lồng ruột:

- Do ruột co bóp bất thường, nhất là trẻ nhỏ chuyển từ giai đoạn bú mẹ hoàn toàn sang giai đoạn vừa bú mẹ, vừa ăn dặm.

- Do sự chênh lệch rõ về kích thước giữa các đoạn ruột ở trẻ nhỏ nên chúng rất dễ bị chui vào nhau.

- Các bệnh lý ở ruột như viêm ruột, khối u, polyp hoặc bệnh lý ở túi thừa Meckel.

Các nghiên cứu đã đưa ra một số yếu tố nguy cơ khiến cho đứa trẻ này dễ bị lồng ruột hơn những đứa trẻ khác, như:

- Độ tuổi từ 3 - 6 tháng dễ mắc bệnh hơn các độ tuổi khác

- Bé trai có tỉ lệ bị lồng ruột cao gấp 2 - 3 lần so với bé gái, nhất là những đứa trẻ bụ bẫm.

- Mùa Thu và mùa Đông có tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn mùa Xuân và mùa Hè.

- Có bệnh bẩm sinh bất thường về cấu trúc ruột.

- Trẻ có tiền sử lồng ruột, nguy cơ tái phát cũng cao hơn.

- Tiền sử gia đình có những người thân và nhất là anh chị em ruột đã từng mắc bệnh lồng ruột.

- Trẻ mắc hội chứng suy giảm miễn dịch.

Quằn quại từng cơn

Khởi bệnh với xuất hiện cơn đau đột ngột, khiến trẻ dừng chơi, bỏ bú, khóc thét. Đau xảy ra ở vùng bụng, tính chất quằn quại từng cơn. Sắc thái biển đổi, xanh xao, vã mồ hôi, nôn mửa nhiều lần. Các trường hợp bệnh nhẹ, cơ thể có thể tự “tháo lồng”. Trẻ vượt qua cơn đau, trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, cơn đau có thể tái diễn trong vòng 24 giờ sau đó.

Các trường hợp bệnh nặng, tiếp theo những dấu hiệu khởi đầu là các biểu hiện của tình trạng ruột bị tắc nghẽn: Trẻ đau đớn nhiều hơn, mệt lả người, tiêu chảy với phân nhày máu (do ruột bắt đầu tổn thương), sốt, mất nước. Sờ vùng bụng hoặc quan sát kỹ đôi khi thấy một khối u nhỏ nhô lên.

Trong giai đoạn muộn, khi ruột bắt đầu hoại tử, các biểu hiện ở trẻ thường trở nên nghiêm trọng:

- Trẻ nôn liên tục.

- Nhịp thở nhanh và nông.

- Bụng đầy hơi và chướng dần.

- Da trở nên nhợt nhạt và lạnh.

- Khám thấy mạch nhanh và yếu.

Để chẩn đoán xác định trẻ mắc bệnh lồng ruột, một số biện pháp kỹ thuật sẽ được chỉ định cho trẻ như siêu âm, chụp X quang hoặc chụp CT Scan vùng bụng...

Hướng điều trị và phòng bệnh

Sau khi được chẩn đoán xác định mắc bệnh lồng ruột, nhưng chưa có biến chứng hoại tử ruột, trẻ được chữa trị bằng phương pháp tháo lồng bằng hơi. Việc chăm sóc tiếp theo thuận lợi và nhẹ nhàng hơn. Tháo lồng bằng hơi là đưa một ống sonde nhỏ vào trong lòng ruột (đoạn trực tràng) dưới sự quan sát của máy X quang tại chỗ.

Không khí (hơi) sẽ được bơm từ từ vào với một áp lực vừa đủ để kéo giãn đoạn ruột lồng cho đến khi chúng rời nhau ra và trở lại trạng thái bình thường. Đây là phương pháp phổ biến, có tỉ lệ thành công cao (khoảng 75 - 95%), không để lại sẹo do không dùng dao kéo.

Trong các trường hợp tháo lồng bằng hơi bị thất bại hay bệnh nhân được đưa đến muộn và ruột đã bị hoại tử, phẫu thuật để tháo lồng hoặc cắt bỏ đoạn ruột sẽ được thực hiện. Việc chăm sóc tiếp theo sẽ phức tạp và nặng nề hơn. Kháng sinh chống nhiễm khuẩn sẽ được sử dụng trong các trường hợp phẫu thuật làm cho chi phí điều trị tăng cao.

Không có biện pháp nào gọi là phòng ngừa đặc hiệu cho những đứa trẻ bình thường. Những trẻ đã từng bị hoặc nghi ngờ bị lồng ruột thì cần thực hiện các biện pháp dự phòng tránh diễn biến bệnh nặng hơn hoặc tái phát của lồng ruột:

- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn.

- Tuân thủ tốt chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc sử dụng.

- Nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh lồng ruột, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Mọi sự chậm trễ đều gây bất lợi cho trẻ và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh lồng ruột thường chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở những đứa trẻ bụ bẫm. Người lớn rất hiếm gặp. Bệnh xảy ra đột ngột, có thể thoáng qua rồi tái diễn trong vòng 24 giờ hoặc cơn đau ngày càng trở nên nặng nề hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ