Hi hữu trường hợp lồng ruột ở người lớn

GD&TĐ - Lồng ruột là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ với tỷ lệ mắc khoảng 90%. Trẻ bị lồng ruột tập trung ở độ tuổi sơ sinh đến dưới 5 tuổi. Với trẻ nhỏ, nguyên nhân gây bệnh thường không rõ ràng.

Bệnh nhân lồng ruột ổn định sau phẫu thuật
Bệnh nhân lồng ruột ổn định sau phẫu thuật

Dấu hiệu nhận biết duy nhất là trẻ khóc thét, ưỡn người, bỏ bú. Cơn đau xuất hiện theo từng đợt. Với trẻ lớn hơn, đặc biệt trẻ trong độ tuổi ăn dặm đôi khi bị tắc ruột do ăn quá nhiều chất xơ hoặc liên quan đến bệnh lý nào khác.

Qua khám lâm sàng, siêu âm, bác sĩ có chỉ định phù hợp với từng ca bệnh và không phải trường hợp nào cũng phải phẫu thuật mà chỉ cần bơm hơi tháo lồng ruột. Tuy nhiên, dù áp dụng phương pháp nào, sau điều trị trẻ phải nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ nhàng, không chạy nhảy quá nhiều.

Lồng ruột cũng xuất hiện ở người lớn nhưng với tỷ lệ từ 1-5% nên những ai mắc bệnh này được cho là trường hợp hi hữu. Khác với trẻ nhỏ, bệnh lồng ruột ở người lớn phần lớn liên quan đến các loại u. Có thể là u ở ruột non, đại tràng hoặc viêm hồi manh trành, hạch mạch treo, manh tràng di động… Do bệnh ít gặp nên đôi khi người bệnh và bác sĩ chủ quan.

Mới đây, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhân 38 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng không rõ nguyên nhân. Sau khi làm xét nghiệm, siêu âm và hội chẩn, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lồng ruột do khối u ở ruột non.

Với người lớn, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh cũng như hạn chế nguy cơ tái phát. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở. Bệnh nhân sau phẫu thuật được sinh thiết khối u và điều chỉnh dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ