Lồng ghép hiệu quả giáo dục bình đẳng giới trong trường học

GD&TĐ - Không chỉ thông qua dạy học lồng ghép, giáo dục về giới và bình đẳng giới được các trường học triển khai dưới nhiều hình thức phong phú.

Lễ ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Văn Miếu. Ảnh: NTCC
Lễ ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Văn Miếu. Ảnh: NTCC

Dù còn khó khăn, nhưng hiệu quả hoạt động này góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.

Lồng ghép hiệu quả vào dạy học

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, việc lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới được các nhà trường quan tâm triển khai. Kế hoạch dạy học lồng ghép được nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng từ đầu năm học và chủ yếu tập trung ở một số môn: Giáo dục công dân, Sinh học, Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.

Tại Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Văn Ngoãn cho biết: Sở đã chỉ đạo lồng ghép nội dung giáo dục về̀ giới, Luật Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ vào nội dung, chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với từng cấp học; tập huấn kiến thức bình đẳng giới cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn ngành.

“6 tháng cuối năm 2023, một trong những phương hướng, nhiệm vụ sở GD&ĐT đặt ra là xây dựng chương trình giáo dục, lồng ghép vào môn học, hoạt động trải nghiệm cho học sinh kiến thức về gia đình; chú trọng giáo dục tiền hôn nhân; kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội, hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái”, ông Trịnh Văn Ngoãn thông tin.

100% cơ sở giáo dục được truyền thông kiến thức giới, bình đẳng giới; phòng ngừa và ứng phó bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái. Công tác lồng ghép giới vào kế hoạch phát triển GD-ĐT được từng cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện, bám sát nội dung, chương trình hành động của tỉnh.

Được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 8 và Sinh học lớp 9, cô Đỗ Thị Nhạn - Trường THCS thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) đã thực hiện một số chuyên đề, ngoại khóa (giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống xâm hại tình dục…), trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Cô Nhạn cũng chú ý những bài học phù hợp để lồng ghép giáo dục về bình đẳng giới.

“Ví dụ, khi dạy về cơ chế xác định giới tính (Sinh học 9), học sinh sẽ tìm hiểu tỷ lệ sinh tự nhiên là 1:1. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ này mất cân bằng khi nhiều gia đình lựa chọn giới tính thai nhi. Tôi chia sẻ với học sinh hậu quả việc mất cân bằng giới tính khi sinh như thừa nam, thiếu nữ và có thể gây ra hệ lụy nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn khi đến tuổi trưởng thành; tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Lựa chọn giới tính thai nhi cũng dẫn tới vấn nạn phá thai, ảnh hưởng sức khỏe phụ nữ; tăng bất bình đẳng giới. Vì vậy, để bảo đảm cân bằng giới tính cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội”, cô Đỗ Thị Nhạn chia sẻ.

Ngoài ra, làm giáo viên chủ nhiệm, cô Đỗ Thị Nhạn cũng tranh thủ tuyên truyền kiến thức giới, lịch sử ra đời Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Quốc tế Phụ nữ 8/3… trong các giờ sinh hoạt lớp tháng 3, tháng 10; giúp học sinh trải nghiệm xử lý tình huống qua tiểu phẩm, vẽ tranh, hình ảnh bình đẳng giới. Đồng thời, tiến hành uốn nắn, điều chỉnh, giáo dục lời nói, suy nghĩ, thái độ, hành vi thể hiện sự định kiến về giới và phân biệt đối xử giới.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đồng bộ giải pháp

Tháng 3/2023, mô hình điểm Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của tỉnh Phú Thọ được thành lập tại Trường THCS Văn Miếu, huyện Thanh Sơn. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn, đây là mô hình của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Hiện, câu lạc bộ có 30 thành viên là học sinh nhà trường, thầy Tổng phụ trách Đội là Dẫn trình viên. Hoạt động đầu tiên được câu lạc bộ triển khai là tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình.

“Với huyện miền núi Thanh Sơn, tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra; đặc biệt chồng đánh vợ, mâu thuẫn nảy sinh từ việc chỉ sinh con gái. Đó cũng là lý do chủ đề tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình được ưu tiên lựa chọn. Trong buổi sinh hoạt dưới cờ toàn trường, học sinh chia sẻ những câu chuyện, có thể trong gia đình hoặc được chứng kiến mà các em cho là bạo lực gia đình; kể tên các hành vi bạo lực…

Sau đó, thầy Dẫn trình viên câu lạc bộ trao đổi cụ thể thế nào là hành vi bạo lực gia đình, cách phòng tránh. Ngoài hoạt động câu lạc bộ, giáo dục bình đẳng giới cũng được nhà trường thực hiện lồng ghép vào môn học phù hợp”, thầy Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Chia sẻ khó khăn công tác này, theo thầy Nguyễn Hồng Sơn, do thầy Tổng phụ trách là giáo viên dạy văn hóa kiêm nhiệm nên khi làm Dẫn trình viên của câu lạc bộ ít kinh nghiệm, do đó hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, giáo viên của trường thiếu. Năm học trước, nhà trường không có giáo viên đúng chuyên môn dạy Giáo dục công dân - môn học lồng ghép nhiều nội dung giáo dục bình đẳng giới - nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học lồng ghép.

Giáo dục bình đẳng giới ở Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) cũng được chú ý từ những việc nhỏ, không chỉ lồng ghép trong dạy học, tổ chức ngoại khóa, trò chuyện với chuyên gia… Chia sẻ từ cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Bích Thu: Các hoạt động của nhà trường đều có học sinh nam, nữ tham gia, tránh thiên lệch và phát huy thế mạnh, tạo mối quan hệ hợp tác bình đẳng. Khi xếp lớp, nhà trường quan tâm tạo cân bằng nhất có thể về tỷ lệ học sinh nam/nữ trong 1 lớp…

Với Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk), giáo dục bình đẳng giới được trường triển khai qua tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức, góp phần chuyển biến nhận thức, hành vi của thầy và trò. Nhân dịp ngày lễ (Quốc tế Phụ nữ; Ngày Phụ nữ Việt Nam…), nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, kể chuyện dưới cờ…

Đây là giải pháp hiệu quả, dễ đi vào lòng người, được phụ huynh, học sinh ủng hộ. “Nhà trường cũng chú trọng chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, người lao động, đặc biệt là nữ công đoàn viên; khuyến khích, huy động trẻ em đến trường, tạo điều kiện hòa nhập cho trẻ em gái hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật”, cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng cho hay.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Một mục tiêu trong đó là bảo đảm vấn đề về giới, bình đẳng giới đưa vào chương trình giảng dạy ở hệ thống giáo dục quốc dân; lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vào biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 và giảng dạy các cấp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.