Thêm yêu quê hương qua làn điệu Quan họ
Những năm qua, ngành GD&ĐT Bắc Ninh đã tích cực đưa di sản văn hóa dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các nhà trường và được đông đảo giáo viên, học sinh đón nhận.
Cụ thể, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn tài liệu dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh và đưa vào giảng dạy ở các trường từ cấp Tiểu học đến cấp THPT trên địa bàn toàn tỉnh.
Tài liệu, chương trình giảng dạy đã được thẩm định về mặt khoa học âm nhạc cũng như khoa học sư phạm, bảo đảm phù hợp với lứa tuổi. Ngành đồng thời tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên các cấp.
Ông Trịnh Khôi- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết: Thực hiện khung chương trình của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã chỉ đạo 100% các đơn vị giáo dục xây dựng kế hoạch dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, phân tiết dạy dựa theo tài liệu dân ca Quan họ Bắc Ninh, sắp xếp thời lượng triển khai giảng dạy cho phù hợp.
Việc giảng dạy được thực hiện đảm bảo phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, có sự kết hợp giữa hình thức truyền khẩu dân gian của các nghệ nhân và giảng dạy của giáo viên, kết hợp giữa truyền dạy dân ca Quan họ với tìm hiểu không gian văn hóa Quan họ.
Học sinh được tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa để hướng tới mục tiêu mỗi em có thể hát được ít nhất một bài Quan họ truyền thống. Tính đến nay, toàn tỉnh có 603 câu lạc bộ Quan họ trường học, đảm bảo mỗi trường có ít nhất 1 câu lạc bộ Quan họ.
Bên cạnh giảng dạy, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về dân ca Quan họ, học sinh được giao lưu với các nghệ nhân, liền anh, liền chị Quan họ, được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, thiết thực như tìm hiều về văn hóa mời trầu, tục kết bạn, giới thiệu nguồn gốc sinh hoạt văn hóa Quan họ, nghề chơi Quan họ, trang phục Quan họ, giải thích về tên làng Quan họ; nghe hát Quan họ… Từ đó, các em hiểu hơn về nét đặc sắc trong văn hóa Quan họ mà chưa được biết qua sách vở.
Nhờ vậy, số học sinh hát hay về các bài hát Quan họ cổ, thậm chí cả những bài hát Quan họ lời mới ca ngợi về quê hương, đất nước ngày càng tăng lên. Đặc biệt, đến nay việc biểu diễn hát Quan họ đã trở thành nội dung chính trong các chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ của các trường học trên địa bàn tỉnh.
Từ năm học 2020-2021, Chương trình giảng dạyDân ca Quan họ Bắc Ninh trong các trường phổ thông tỉnh Bắc Ninh được biên soạn lại nhằm đảm bảo phù hợp với tâm lý lứa tuổi và các quy định trong chương trình tổng thể môn Âm nhạc, Môn Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm ở cả 3 cấp học. Công tác này sẽ tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục Bắc Ninh trong những năm tới.
Giáo dục đạo đức cho học sinh qua đờn ca tài tử
Với sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT TPHCM, Trường THPT Phạm Phú Thứ (Quận 6) đã tiến hành thực hiện mô hình giáo dục Đưa đờn ca tài tử - nhạc cụ dân tộc trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh một cách nghiêm túc và đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ.
Mô hình giáo dục này đã trở thành một yêu cầu tất yếu trong chương trình giáo dục của nhà trường, gắn liền với mục tiêu chiến lược. Cụ thể, học sinh tiếp cận, thực hành, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử và nhạc cụ dân tộc.
Qua các trích đoạn cải lương (Tiếng trống Mê Linh, Vụ án Lệ Chi viên,…), các bài hát thuộc thể loại âm nhạc dân tộc (Đại học sĩ Phạm Phú Thứ; Quê hương, Lòng mẹ,…) cũng như các buổi biểu diễn đờn ca tài tử và nhạc cụ dân tộc (đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc…), phần nào khơi gợi ý thức tiếp nối truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thầy Nguyễn Thái Bình - Phó hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết: Mô hình giáo dục Đưa đờn ca tài tử - nhạc cụ dân tộc trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh cũng được đẩy mạnh trong các chương trình ngoại khóa.
Để thực hiện việc này, nhà trường đã trang bị một không gian tại phòng thư viện của trường cho CLB Âm nhạc dân tộc để lưu trữ các loại nhạc cụ dân tộc. Đội ngũ giáo viên phụ trách CLB Âm nhạc dân tộc của trường cũng đã được tham gia các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật dân tộc tại Khoa kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM.
Sau khi tham gia các hoạt động tìm hiểu về loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử - nhạc cụ dân tộc, các em học sinh đã có những kiến thức nhất định về chúng. Từ đó, ngoài việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, mô hình ấy còn giúp nâng cao chất lượng nghệ thuật của các buổi chào cờ đầu tuần, các chương trình sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường.
Mô hình giáo dục Đưa đờn ca tài tử - nhạc cụ dân tộc tại trường THPT Phạm Phú Thứ đã ít nhiều phản ánh được chất lượng chuyên môn của hoạt động giáo dục nghệ thuật qua nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc cụ dân tộc. Mô hình này, vì thế đã và đang góp phần rất lớn vào việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh trong môi trường học tập tích cực hiện nay- Thầy Bình khẳng định.