Lòng dân nơi biên viễn xứ Nghệ

GD&TĐ - Được cán bộ, đảng viên đồn biên phòng hỗ trợ, người dân vùng biên giới huyện Kỳ Sơn yên tâm phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Thiếu tá Pịt Văn Mương, Đồn Biên phòng Mường Ải hướng dẫn bà Hoa Mẹ Ngành sản xuất lúa vụ Đông Xuân.
Thiếu tá Pịt Văn Mương, Đồn Biên phòng Mường Ải hướng dẫn bà Hoa Mẹ Ngành sản xuất lúa vụ Đông Xuân.

Được cán bộ, đảng viên đồn biên phòng hỗ trợ, người dân vùng biên giới huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) yên tâm phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Biên phòng với “3 bám, 4 cùng”

Nằm cách TP Vinh hơn 250km về phía Tây Bắc, Nậm Cắn là xã miền núi biên giới khó khăn của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Do địa hình đồi núi cao, giao thông chia cắt nên đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, dễ bị tội phạm lợi dụng.

Là đơn vị đóng quân trên địa bàn, quản lý hơn 30km đường biên giới, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) luôn quan tâm đến công tác an ninh chính trị.

Thực hiện Chỉ thị số 681 về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, phân công cán bộ phụ trách giúp đỡ 260 hộ dân.

Hằng ngày, tranh thủ làm xong công việc tại đồn, Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng lại xuống các thôn bản để tuyên truyền cho người dân kiến thức pháp luật và hướng dẫn phát triển kinh tế.

Cấp trên tin tưởng, Thiếu tá Dũng được phân công phụ trách 5 gia đình. Nhờ sự tận tụy và kiên trì, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã được bà con yêu quý, xem như thành viên trong gia đình.

Anh Dũng cho biết, để giúp bà con thay đổi nhận thức cần phải kiên trì trong thời gian dài và hành động thiết thực. Đặc biệt, phải hiểu tiếng nói mới nắm được đồng bào nghĩ gì, cần gì.

Thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện mà cán bộ biên phòng nắm rõ hoàn cảnh từng hộ, từ việc làm, điều kiện của từng gia đình. Từ đó lựa chọn định hướng tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có thu nhập cao hơn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.

“Mỗi chiến sĩ đều phải tích cực thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”. Là bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng chia sẻ.

Chị Ngô Thị Hương (trú tại bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn) cho biết, từ khi Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phân công cán bộ xuống phụ trách, đời sống người dân trong bản thay đổi rất nhiều.

Bên cạnh việc hỗ trợ lợn giống để phát triển kinh tế, các anh còn hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi; giúp bà con hiểu hơn quy định pháp luật, không vượt biên trái phép, không nghe lời những người xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo chị Hương, trước đây ở bản Khánh Thành từng xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, chủ yếu do người chồng nghiện rượu về ngược đãi vợ con. Để giải quyết tình trạng này, cán bộ biên phòng đã tham mưu chính quyền thành lập tổ hòa giải.

Nếu trong địa bàn phát hiện gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, tổ hòa giải và lực lượng biên phòng sẽ trực tiếp đến từng hộ để tuyên truyền, vận động. Đến nay, tình trạng này đã không còn, người dân ai cũng chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Ông Lang Thanh Lương, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn cho biết, người dân địa phương chủ yếu là đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú. Do đời sống khó khăn nên người dân có trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật còn thấp. Thậm chí, nhiều người vi phạm pháp luật nhưng không biết.

Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, cùng với sự nỗ lực và tận tâm các đảng viên biên phòng phụ trách, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

Theo ông Lương, dù là địa phương có nhiều nguy cơ về an ninh trật tự, nhưng trong những năm qua, Nậm Cắn đều là xã sạch ma túy. Nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân cũng được nâng lên rõ rệt.

Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn.

Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn.

Đồng hành với người dân thoát nghèo

Đang chăm sóc đàn lợn của gia đình, bà Hoa Mẹ Ngành (trú tại bản Xốp Lau, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn) cho biết, trước đây người dân chăn nuôi chủ yếu theo hình thức thả rông tự nhiên. Vì không biết kỹ thuật, cách phòng, tránh bệnh nên lợn chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp.

Từ khi được cán bộ Đồn Biên phòng Mường Ải hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh nên đàn gia súc của bà Ngành ngày càng phát triển tốt. Đặc biệt, cuối năm 2023, nhờ được bộ đội hướng dẫn cách chữa trị mà đàn bò bị lở mồm long móng của gia đình đã khỏi bệnh nhanh chóng.

Thiếu tá Pịt Văn Mương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Ải chia sẻ, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị là bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng chống tội phạm trên địa bàn, đơn vị rất coi trọng việc lựa chọn, phân công đảng viên có phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm tham gia phụ trách các hộ gia đình khó khăn.

Thông qua đó, mỗi đảng viên thực hiện tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Vận động các hộ gia đình không nghe, không tin những nội dung tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu. Khuyến khích người dân chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên quê hương.

Đến nay, có 31 đảng viên của Đồn Biên phòng Mường Ải được phân công phụ trách 135 hộ gia đình. Trong đó, có 5 hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ đạt thu nhập khá.

Các mô hình kinh tế như: Phát triển đàn bò, nuôi dê sinh sản, nuôi cá nước ngọt, sản xuất lúa vụ Đông Xuân… phát huy hiệu quả cao.

Việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 681 ở Nghệ An đã góp phần triển khai tốt các phong trào, mô hình, chương trình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới.

Thực hiện Chỉ thị 681 của Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, tại Nghệ An, đến nay có hơn 500 đảng viên được phân công phụ trách hơn 2.300 hộ gia đình. Các đồn biên phòng đã mạnh dạn triển khai nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.