Lời xúc phạm con trẻ mạnh hơn đòn roi

GD&TĐ - Vì bất lực, nóng giận, không ít bậc cha mẹ nói ra những lời xúc phạm con cái. Họ tưởng như vậy là đang răn dạy con. Song những lời độc địa, chua cay ấy có sức mạnh phá hoại ghê gớm, còn hơn cả đòn roi.

Lời sỉ nhục của cha mẹ sẽ khiến trẻ ghi nhớ trong lòng mà sinh ra phản ứng tiêu cực. Ảnh minh họa.
Lời sỉ nhục của cha mẹ sẽ khiến trẻ ghi nhớ trong lòng mà sinh ra phản ứng tiêu cực. Ảnh minh họa.

Mắng nhiếc khiến con bế tắc

Bạn trẻ không đủ điểm thi đỗ đại học đã bị người mẹ mắng chửi thậm tệ. Quá bức xúc và không biết chia sẻ với ai đã đăng lên trên mạng xã hội: “Em không hiểu sao mẹ em lại có thể nói với em những lời cay độc đến thế. Giá em có lỗi, mẹ cứ đánh, em còn đỡ thấy đau lòng hơn. Đằng này những lời xỉ vả của mẹ khiến em cảm thấy minh là đứa ngu đần, vô tích sự chẳng làm được gì, chỉ làm khổ bố mẹ. Sau những lời chửi bới, em không thể tập trung vào việc gì nữa. Có lúc em chỉ muốn bỏ nhà ra đi cho bố mẹ phải hối hận!”.

Cuối dòng tâm sự, hàng trăm bình luận của các bạn trẻ đồng tình. Có bạn chia sẻ về những lời cha mẹ đã mắng mỏ khi con thi trượt: “Nhục nhã quá, cũng cơm ấy, gạo ấy, con người ta thi đâu đỗ đấy. Đằng này chỉ giỏi đua đòi, ăn diện. Không biết chúng tao còn dám ngẩng mặt lên với ai được nữa”.

Chính những lời lẽ ấy đã khiến các bạn trẻ không còn dám nhìn mặt ai. Sự tự ti, xấu hổ và cảm giác bị sỉ nhục đã khiến các em bế tắc, không lối thoát ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Chuyên gia cho rằng, nhiều người nghĩ khi buông những lời cay độc, mắng chửi thậm tệ con sẽ thấy xấu hổ mà biết sửa chữa. Đó là suy nghĩ sai lầm, thiếu hiểu biết. Khi một đứa trẻ phải liên tục nghe những lời cay nghiệt từ cha mẹ mình, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, khó phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình mặc cảm vì nghĩ rằng mình là một đứa trẻ tồi tệ, hư hỏng, mất dạy.

Nếu nói rằng cha mẹ sỉ nhục, nhiếc mắng con cái là vì họ không yêu con là không đúng. Trong khi nói ra những lời cay độc, họ vẫn luôn nghĩ rằng có thế con mới thấy mà sửa chữa khuyết điểm. Nhưng rõ ràng sự thiếu hiểu biết về giáo dục con cái có thể mang lại những tác động lâu dài khó lường.

Lý do khiến cha mẹ dùng đến sự đay nghiến đó là sự bất lực trong giáo dục con cái. Khi con có lỗi, cha mẹ thường dọa nạt, trừng phạt bằng đòn roi. Thấy không còn hiệu quả, họ lại chuyển sang dùng những lời nhẹ nhàng, nhưng mang nặng tính giáo huấn. Thấy con không chuyển biến, cha mẹ đành dùng đến những lời cay độc. Cứ như vậy tạo thành cái vòng luẩn quẩn, không giúp con tiến bộ, mà chỉ khắc sâu thêm oán thù đối với trẻ.

Trẻ em đủ vị tha

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, giảng viên Học viện Phát triển kỹ năng và tư duy IEG, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ dành những lời lẽ nặng nề đối với con trẻ. Trong đó có việc vì giận người khác, giận lây sang con. Thậm chí, có nhiều người còn dùng con làm cái cớ cho cơn giận của mình dành cho người bạn đời. Chỉ vì tức giận chồng hoặc vợ, người làm cha mẹ sẵn sàng trút mọi giận dữ lên đầu con trẻ dù lỗi lầm của con không đáng để bị chửi rủa.

Nhiều cha mẹ nuông chiều con từ khi còn nhỏ. Đến khi con hư, họ lại trừng phạt bằng đòn roi nhưng con vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều lần như vậy, bố mẹ cũng bất lực và họ không còn cách nào khác là buông ra những lời cay độc. Sự nuông chiều hay buông lỏng con cái ngay từ khi còn nhỏ đã khiến việc dạy bảo trở nên khó khăn, bế tắc.

Ngoài ra, có nhiều người còn lặp lại điều từng xảy ra trong quá khứ với mình. Có nghĩa là những người trong quá khứ từng bị bố mẹ mắng chửi, lăng mạ cũng sẽ dễ sinh cáu gắt, cư xử thô lỗ, cộc cằn với con cái của mình. Đôi khi, người lớn không ý thức được việc họ bị ảnh hưởng bởi quá khứ nên xem việc bản thân thô lỗ với con cái ở hiện tại là điều bình thường.

Cũng theo bà Huyền, trẻ rất nhạy cảm và dễ phản ứng với những lời nói xúc phạm của người lớn. Vì vậy khi nói chuyện, khi giáo dục, ngay cả khi phê bình con, cha mẹ không nhận xét kiểu kết tội.

Ví dụ, nếu hôm nào con được điểm kém, cha mẹ cũng chỉ nên nói: “Hôm nay con lại không cố gắng, lại để bị điểm kém à”. Tuyệt đối không nói: “Sao mày ngu thế, dốt thế”. Nhận xét như vậy là xúc phạm trẻ, là sổ toẹt mọi cố gắng từ trước đến nay của trẻ, sẽ gây phản ứng mạnh mẽ”.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên để cho trẻ cơ hội giãi bày. Khi có lỗi, khuyết điểm không phải trẻ không đau buồn và ý thức về chuyện đó. Hãy cho trẻ cơ hội nói lên nỗi lòng nó. Có như vậy, cha mẹ cũng giảm bớt được cơn tức mà mối quan hệ với con trẻ không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, có nhiều cách thể hiện tức giận khác nhau nhưng dù giận dữ thế nào cũng không được xúc phạm nhân cách hay tính tình của con. Thay vì bảo con là “ngu đần”, “hư hỏng”, “vô tích sự”, cha mẹ hay nói lên cảm xúc của mình. Chẳng hạn: “Con thi trượt mẹ buồn quá” hay “Chơi điện tử thích lắm hả con? Nhưng dù sao bố cũng không vui khi con mải mê quá độ”. Những câu nhận xét, thể hiện cảm xúc như vậy có tác dụng khơi gợi và dẫn dắt cái tốt hơn là những lời đao to búa lớn. Hãy luôn nhớ rằng giận dữ chỉ là sự tàn phá chứ không có tính xây dựng.

“Còn khi đã quá nóng giận mà buông lời cay đắng, cha mẹ cũng cần có lúc nhìn lại chính mình. Khi đó, hãy xin lỗi trẻ ngay. Chỉ cần thế, trẻ em đủ độ vị tha để không bùng phát những thái độ phản ứng tiêu cực”, bà Huyền nhấn mạnh.

Yêu con thôi chưa đủ. Để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng, phương pháp giáo dục nhân bản. Một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lời lăng mạ xúc phạm đến lòng tự ái của con cái… - Bà Nguyễn Thị Huyền, giảng viên Học viện Phát triển kỹ năng và tư duy IEG.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ