Mắc bệnh tiểu đường có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Geneva (UNIGE) của Thụy Sĩ phát hiện ra chất béo có thể giúp tuyến tụy thích ứng với lượng đường dư thừa, do đó làm chậm sự khởi phát của bệnh tiểu đường.
Đòn bẩy giúp trì hoãn bệnh tiểu đường
Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra insulin một cách thích hợp. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.
Với gần 10% dân số thế giới mắc, bệnh tiểu đường type 2 là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng. Một lối sống ít vận động và chế độ ăn quá nhiều calo sẽ tạo điều kiện cho căn bệnh về chuyển hóa này phát triển bằng cách thay đổi hoạt động của các tế bào tuyến tụy, đồng thời khiến việc điều chỉnh lượng đường trong máu kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, chất béo, thường được coi là thủ phạm hàng đầu của tiểu đường có thể được đánh giá lại. Chất béo không nhất thiết sẽ làm trầm trọng thêm bệnh và thậm chí có thể đóng vai trò bảo vệ. Bằng cách nghiên cứu các tế bào beta tuyến tụy sản xuất insulin, các nhà khoa học ở UNIGE đã chỉ ra những tế bào này ít bị thừa đường hơn nếu trước đó chúng tiếp xúc với chất béo.
Qua điều tra các cơ chế hoạt động của tế bào, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra cách thức một chu kỳ lưu trữ và huy động chất béo có thể giúp các tế bào thích nghi với lượng đường dư thừa. Những kết quả này được công bố trên Tạp chí Diabetologia, nêu rõ một cơ chế sinh học bất ngờ có thể được dùng như một đòn bẩy để trì hoãn sự khởi phát bệnh tiểu đường type 2.
Bệnh tiểu đường type 2 là kết quả của sự rối loạn chức năng của các tế bào beta tuyến tụy, có nhiệm vụ tiết insulin. Điều này làm suy yếu việc điều tiết lượng đường trong máu và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về tim, mắt và thận.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, chất béo đã bị loại ra và khái niệm về độc tính với chất béo xuất hiện: “Sự tiếp xúc của tế bào beta với chất béo sẽ khiến chúng bị suy giảm chất lượng”.
Gần đây, lượng đường dư thừa cũng được coi là nguyên nhân gây hại cho tế bào beta và thúc đẩy sự phát triển của bệnh tiểu đường type 2. Tuy nhiên, tuy tác động tiêu cực của đường không có gì phải nghi ngờ, nhưng vai trò của chất béo đối với rối loạn chức năng tế bào beta vẫn còn mơ hồ.
Giáo sư Pierre Maechler của Khoa Sinh lý học Tế bào và Chuyển hóa tại Trung tâm Tiểu đường của UNIGE là người đứng đầu nghiên cứu này. Ông cho biết, nhóm của ông đã tìm hiểu các cơ chế tế bào liên quan. Họ đã nghiên cứu cách các tế bào beta của con người và chuột thích nghi với tình trạng dư thừa đường và/hoặc chất béo.
Khi chất béo hỗ trợ các tế bào beta
Để phân biệt tác động của chất béo với đường, các nhà khoa học đã cho các tế bào beta tiếp xúc với lượng đường dư thừa và chất béo dư thừa, sau đó kết hợp 2 thứ này. Độc tính của đường đã được xác nhận: “Các tế bào beta tiếp xúc với lượng đường cao tiết ra insulin ít hơn nhiều so với bình thường”.
Nhà nghiên cứu Lucie Oberhauser tại Khoa Sinh lý Tế bào và Chuyển hóa của UNIGE là tác giả đầu tiên của nghiên cứu này. Bà giải thích, khi tế bào tiếp xúc với quá nhiều đường và quá nhiều chất béo, chúng sẽ lưu trữ chất béo dưới dạng các giọt nhỏ để phòng thời kỳ thiếu thốn.
Bà cho biết, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi thấy chất béo dự trữ này không làm tình hình trở nên tồi tệ hơn mà thay vào đó, nó cho phép việc tiết insulin được phục hồi về mức gần như bình thường. Do đó, sự thích ứng của tế bào beta với một số chất béo sẽ góp phần duy trì lượng đường trong máu bình thường.
Cần phải sử dụng chất béo
Bằng cách phân tích sâu hơn những thay đổi của tế bào đang bị đe dọa, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng các giọt chất béo không phải là chất dự trữ tĩnh mà là nơi diễn ra một chu kỳ động gồm lưu trữ và vận động. Nhờ các phân tử chất béo được giải phóng này, các tế bào beta thích ứng được với lượng đường dư thừa và duy trì sự bài tiết insulin gần như bình thường.
Giáo sư Piere Maechler cho biết thêm, việc giải phóng chất béo này không thực sự là một vấn đề, miễn là cơ thể sử dụng nó như một nguồn năng lượng. “Để tránh phát triển bệnh tiểu đường, điều quan trọng là tạo cơ hội cho chu kỳ có lợi này hoạt động, chẳng hạn như bằng cách duy trì hoạt động thể chất thường xuyên” – ông nói.
Các nhà khoa học đang cố gắng xác định cơ chế mà chất béo được giải phóng này kích thích sự bài tiết insulin. Họ hy vọng sẽ tìm ra cách để trì hoãn sự khởi phát của bệnh tiểu đường vốn đang ảnh hưởng tới không ít người trong chúng ta.