Lời giải cho phát triển giáo dục vùng cao

Lời giải cho phát triển giáo dục vùng cao

(GD&TĐ) - Từ việc học cho đến ba bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày đều được thực hiện tại trường. Nơi đây đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em. Hạn chế được vấn đề bỏ học và nghỉ học triền miên. Học sinh yêu trường, mến lớp, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên, đó là hiệu quả rõ nhất khi thực hiện mô hình bán trú dân nuôi tại xã vùng cao Nậm Lành.

Ôn bài trước khi lên lớp
Ôn bài trước khi lên lớp

Nậm Lành là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Yên Bái. Với 7 thôn bản của xã thì có 6 thôn bản ở cách xa trung tâm, bản xa nhất là Nậm Cài và Nậm tộc nằm cách trung tâm xã đến gần 17 km, bản Nậm Kịp, bản Ngọn Lành cũng cách hơn 9 km, Bản "gần nhất" thuộc trung tâm xã cũng có đến mấy khu cách trung tâm từ 4 đến 6 km giao thông đi lại rất khó khăn, đường người dân tự mở dốc cao ngang mặt ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của con em đồng bào nơi đây.

Trong khi các điểm trường lẻ ở các bản chỉ dạy hết cấp tiểu học. Muốn học lên THCS các em phải ra trung tâm xã. Mà như thế đường sá xa xôi đi lại khó khăn, đi sớm về muộn khiến nhiều em đã bỏ học giữa chừng.

Cùng phụ nhà bếp nấu cơm sau giờ học
Cùng phụ nhà bếp nấu cơm sau giờ học

Nếu như năm học 2002-2003 là năm đầu tiên xã Nậm Lành huy động được 61 học  sinh học tập ở 2 lớp THCS, trong đó 15 học sinh nhà xa nhất ở nội trú tại trường thì đến năm học 2011- 2012 vừa qua, trường PTDTBTTHCS Nậm Lành đã có 168 học sinh ở nội trú trong tổng số 245 em học sinh ở 8 lớp.

Đây là kết quả sau nhiều năm vận động, tuyên truyền nhân dân quan tâm đến công tác xã hội hoá giáo dục, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi ở các thôn bản xa về trường trọ học và tranh thủ sự tạo điều kiện của địa phương và sự đầu tư của nhà nước.

Mô hình bán trú dân nuôi được thực hiện ở trường PTDTBTTHCS Nậm Lành có tác dụng to lớn trong việc huy động học sinh ra lớp, đặc biệt là học sinh các bản xa trung tâm về học tập tại trường, huy động tối đa số học sinh học hết chương trình tiểu học ra học THCS, góp phần quan trọng vào việc duy trì kết quả phổ cập THCS một cách bền vững, học sinh có điều kiện học tốt hơn.

Em Mùa A Dê, bản Ngọn Lành, đang học lớp 9A, nói: “Nhà em nghèo lắm được ăn nghỉ tại trường, lại được hỗ trợ tiền ăn nên em giành nhiều thời gian cho việc học tập để đạt được ước mơ sau này trở thành thầy giáo trở về dạy cái chữ cho các em nhỏ trên bản.”

Chăm sóc rau xanh
Chăm sóc rau xanh

Thầy giáo Bùi Văn Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với số lượng học sinh bán trú đông, trong khi chỉ có 6 phòng ở, chúng tôi vận động người dân quanh trường cho các em ở nhờ, không có phòng ở nhà trường phải bố trí từ 20 đến 25 em một phòng mùa đông còn khá chứ sắp tới trời nóng chúng tôi còn chưa biết xử lý thế nào.

Trước kia không có chế độ hỗ trợ, nhà trường huy động phụ huynh học sinh đóng góp gạo thực sự vất vả, ngoài ra còn bố trí thầy cô cùng các em tự tăng gia trồng rau xanh và lấy củi để tự nấu cơm ăn hàng ngày….. Với mức hỗ trợ 320 nghìn đồng/tháng cho mỗi em ở bán trú như hiện nay; ngoài ra quỹ Thiện Tâm cũng hỗ trợ cho các em 4000đ/1em/1ngày nên nhà trường không tổ chức thu thêm của học sinh.

Đối với những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn thiếu quần áo, chăn màn nhà trường đã huy động sự ủng hộ, đóng góp của các cơ quan, ban ngành đoàn thể trong địa phương để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em sinh hoạt và học tập. Các bậc phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con em mình cho nhà trường nuôi dạy. Cùng với đó, ngoài thời gian học tập, thầy trò nhà trường đã cùng nhau tăng gia sản xuất như trồng rau và chăn nuôi gia súc gia cầm để cải thiện thêm. Tuy chưa được đầy đủ, nhưng có thể nói bữa ăn của các em học sinh nơi đây đã được cải thiện khá nhiều so với những năm trước.”

Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ngoài giờ tại trường
sinh hoạt văn hóa văn nghệ ngoài giờ tại trường

Được học tập trung, các em có điều kiện tham gia vào các hoạt động tập thể và có nhiều thời gian ôn bài. Sau thời gian học chính khóa, một tuần 3 buổi học chiều có sự hướng dẫn của thầy cô, 1 buổi lao động và 1 buổi sinh hoạt tập thể ngoài ra nhà trường còn tổ chức cho các em nhiều môn thể thao như bóng đá, đánh cầu, cờ vua và các trò chơi tập thể…. buổi tối các em tập trung học trên lớp, đối với học sinh yếu kém, thầy cô giành thời gian phụ đạo để các em theo kịp các bạn, học sinh khá giỏi được các thầy cô dạy chương trình nâng cao.

Mô hình bán trú không chỉ nhằm giúp các em học sinh mà còn chia sẻ khó khăn cho các gia đình, tạo điều kiện cho con em đến lớp, giảm bớt khó khăn cho người dân địa phương có con em đi học.

Ngày trước chỉ cần trời mưa nhỏ thôi thì điểm mặt các em học sinh đều vắng. Còn bây giờ những học sinh hay nghỉ học đã đi học đều. Khi các em đã đi học chuyên cần thì chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên. Ngay từ đầu năm nhà trường đã phân loại học sinh để từ đó có kế hoạch phụ đạo nhằm nâng cao chất lượng học tập cho các em. Tỷ lệ huy động học sinh học hết bậc tiểu học theo học bậc THCS đạt 98%, tăng gấp đôi so với năm 2003. Sơ kết học kỳ I vừa qua số lượng học sinh khá giỏi tăng hơn namư học trước đạt hơn 22%, số học sinh yếu, kém giảm xuống còn 5,6 %.

Nhìn hệ thống vườn rau và giàn bí giàn mướp, đàn lợn gà rộng đến hơn 2000m2 mà thầy và trò nhà trường đang chăm sóc cho thấy cuộc sống của các em học sinh bán trú trường PTDTBTTHCS Nậm Lành năm học này thật sự khởi sắc so với những năm học đã qua.

Mô hình bán trú được đánh giá là rất phù hợp với điều kiện địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn như xã Nậm Lành. Thực hiện tốt được mô hình bán trú giúp giải được bài toán cho thực trạng học sinh bỏ học, nghỉ học theo mùa mà bấy lâu Nậm Lành và các xã vùng cao của Văn Chấn đang gặp phải. Đây cũng là giải pháp tối ưu cho vấn đề duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện vùng cao Văn Chấn.

Theo Sở GD&ĐT Yên Bái, danh sách hợp đồng biên chế ngành giáo dục Yên Bái còn có 298 kế toán trường học đang thực hiện hợp đồng, không đúng với Pháp lệnh về Kế toán ở đơn vị công lập.- Đặc biệt, tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, nhân viên kế toán trường học đang hợp đồng còn kiêm nhiệm cả ba cấp học trong xã, nếu để xảy ra rủi ro về tài chính không biết sẽ xử lý ra sao, bởi số tiền chi trả hằng năm ở đây lên đến cả tỷ đồng.-Số hợp đồng này nằm ở các trường học thuộc huyện Mù Cang Chải 31, Văn Chấn 74, Văn Yên 56, Yên Bình 49, Trấn Yên 47, Lục Yên 38... Nếu không được quan tâm giải quyết nhanh và dứt điểm, sẽ gây khó khăn trong giao dịch với kho bạc và giám sát tài chính theo hệ thống đã ban hành, đồng thời quản lý không tốt sẽ dễ bị kỷ luật, mất cán bộ và thất thoát tài sản công.

Tháo gỡ các khó khăn cho ngành giáo dục - đào tạo ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình thuộc đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, đến nay toàn tỉnh đã giải ngân xong 100% vốn năm-2008 và gần 70% vốn của năm 2009, đưa 144 phòng học và 44 nhà công vụ vào sử dụng. Tỉnh tiến hành rà soát quy mô trường lớp, bảo đảm quy hoạch phát triển ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập trước mắt và giai đoạn tiếp theo của nhân dân. Quan tâm chất lượng giáo dục vùng cao, ngoài việc duy trì tỷ lệ chuyên cần, chống học sinh bỏ học, huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp, tỉnh Yên Bái vận dụng tốt việc dùng ngân sách hỗ trợ 15 kg gạo cho học sinh THPT là người dân tộc Mông của-hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Trên cơ sở rà soát thực trạng đội ngũ, quy mô phát triển giáo dục nghiêm túc, công khai, dân chủ để giải quyết số cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư nghỉ chế độ theo Nghị định 132, bố trí công việc khác hoặc cho đi đào tạo lại. Thời gian tới, Sở Nội vụ trình phương án cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm biên chế giáo viên và nhân viên kế toán hiện còn hợp đồng thuộc các xã vùng đặc biệt khó khăn, tạo sự yên tâm công tác lâu dài cho số đối tượng này phục vụ ở vùng cao.

             Xuân Tình-Thanh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ