Lời dặn dò của cô hiệu trưởng tới sĩ tử lớp 9 trước 'giờ G'

GD&TĐ - Nhà giáo Đoàn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có những dặn dò tâm huyết với các sĩ tử trước kỳ thi vào lớp 10.

Nhà giáo Đoàn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.
Nhà giáo Đoàn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Tuyệt đối không mang theo điện thoại

Sáng 7/6, khoảng 110 nghìn thí sinh tại Hà Nội sẽ tới các điểm thi để làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên năm học 2024-2025. Đây là kỳ thi vô cùng quan trọng, thí sinh phải nắm chắc và thực hiện nghiêm túc quy chế thi.

Cô Đoàn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, trong hai ngày 8 và 9/6 khi làm bài thi các môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ, thí sinh nên đến điểm thi trước thời gian quy định ghi trong Giấy báo dự thi khoảng 15 - 20 phút để đề phòng các việc bất thường có thể xảy ra.

Học sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng như: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Khi vào phòng thi, thí sinh tuyệt đối không được mang theo điện thoại vì sẽ vi phạm quy chế dù có sử dụng hay không sử dụng. Ảnh: Đình Tuệ.

Khi vào phòng thi, thí sinh tuyệt đối không được mang theo điện thoại vì sẽ vi phạm quy chế dù có sử dụng hay không sử dụng. Ảnh: Đình Tuệ.

Thí sinh không được mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Các em tuyệt đối không được mang điện thoại vào phòng thi.

Khi nhận đề thi, các em phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.

Lịch chi tiết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 của TP Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Lịch chi tiết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 của TP Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Các em phải bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình; phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý các trường hợp bài thi của mình bị người khác lợi dụng hoặc cố ý can thiệp.

Khi nộp bài thi tự luận, thí sinh phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi; thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi (đối với bài thi tự luận), phiếu trả lời trắc nghiệm (đối với bài thi trắc nghiệm).

Lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm

Các sĩ tử lớp 9 ôn luyện trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Đình Tuệ.

Các sĩ tử lớp 9 ôn luyện trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Đình Tuệ.

Cô Thanh Hương lưu ý thêm, thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn theo quy định của Bộ GD&ĐT; chỉ được tô bằng bút chì đến các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời; trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn.

Sau khi nhận đề cần đọc qua một lượt để xác định những câu dễ, câu mình có thể xử lý được trước. Khi tô cần tô kín hình tròn của đáp án mình chọn để khi chấm máy dễ nhận được, không bị lỗi. Sau đó, các em làm các câu hỏi khó hơn, cố gắng liên kết kiến thức từ những vùng lân cận của câu hỏi đó để có sự lựa chọn tốt.

Các mốc thời gian quan trọng sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Các mốc thời gian quan trọng sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Thời gian thi trắc nghiệm là 60 phút nên cần tận dụng tối đa. Những câu hỏi nào còn phân vân, thí sinh tạm chọn một đáp án nào đó và đánh dấu kí hiệu phân vân ở đề để sau đó kiểm tra lại.

Mặc dù có câu hỏi mình chưa biết, cũng nên thử vận may bằng cách tô một đáp án nào đó mà mình cảm thấy tự tin nhất, không nên bỏ trống một câu nào cả. Trường hợp sửa đáp án, học sinh cần phải tẩy sạch đáp án cũ và tô lại đáp án mới, không được để 2 đáp án trong một câu.

"Các em nên mang theo thẻ học sinh, nước uống, đồng hồ để xem và căn giờ khi làm bài. Trong suốt những ngày thi, học sinh cần có chế độ nghỉ ngơi, giữ gìn sức khoẻ, ăn uống hợp vệ sinh, không ăn các thức ăn lạ để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cha mẹ, thầy cô luôn đồng hành để các em có tâm thái tốt nhất cho kỳ thi" - cô Thanh Hương tâm sự.

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay toàn thành phố có khoảng 110 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hệ không chuyên. Thành phố đã bố trí 201 điểm thi với hơn 4.300 phòng thi. Trước đó, ngành Giáo dục Thủ đô đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra về cơ sở vật chất ở các địa điểm tổ chức thi nhằm đảm bảo khâu an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.