Lời con tằm nhỏ

GD&TĐ - Có những người tôi yêu, từ trang viết của họ lại đặt cho tôi nhiều câu hỏi, mãi tôi chưa thể trả lời, bởi phép tính của Văn làm gì có đáp số cuối.

Ảnh minh họa từ: ITN.
Ảnh minh họa từ: ITN.

Khi còn đi dạy, tôi luôn có cảm giác mình là người “ngoại tình” có hạng. Vì đang say sưa với một tác giả này, chưa kịp nói lời giã từ đã bay sang tâm tình với một tác giả khác.

Và lại tiếp tục, cho kịp giờ lên lớp của chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa, hoặc lang thang trên những cung đường Văn, những tác giả, những tác phẩm văn học như là những người tình yêu dấu của tôi.

Bây giờ, rời trường lớp, tôi lại thấy mình là người “thủy chung” có hạng. Tôi vẫn không thể quên tìm cách trả lời những câu hỏi ngày xưa chưa bao giờ là cũ: “Người xưa buồn hơn hay người nay buồn hơn? Người xưa yêu mãnh liệt hơn hay người nay yêu mãnh liệt hơn?...”.

Không thể trả lời những câu hỏi trên nếu không khởi đi từ Văn học dân gian và điểm đến là thơ văn đương đại. Tôi vẫn yêu vô cùng những nghệ sĩ dân gian đã để lại cho đời bao nhiêu kho báu vô giá.

Mỗi lần cảm thấy buồn vô hạn, là thấy người yêu vô danh độ lượng ngày xửa ngày xưa lừng lững xuất hiện: “Nỗi buồn chát chua ai mua tôi bán/ Rao khắp chợ đời chẳng thấy dạng người mua/ Bán mua là chuyện bông đùa/ Đành đem tâm sự chát chua ra về”.

Rồi nhà thơ Đặng Trần Côn cùng dịch giả Đoàn Thị Điểm, cho tôi gặp ngay người chinh phụ cô lẻ: “Sầu đã nặng hãy chồng làm gối/ Muộn đã đầy hãy thổi làm cơm/ Mượn hoa mượn rượu giải buồn/ Sầu làm rượu nhạt muộn làm hoa ôi…” (Chinh phụ ngâm).

Nhà thơ nữ thời 4.0 cũng không chịu kém cạnh: “Có người đến hỏi thật êm/ Rằng người có muốn mua thêm trái sầu/Dạ thưa, mua biết để đâu,/Cứ phơi cho chín, chia nhau ta cùng…” (Lương Thị Hương Quế - Đi khoe nỗi buồn).

Mỗi lần gặp khó khăn ngặt nghèo, người yêu vô danh lạc quan nhất nhì thế giới vỗ về yên ủi thật đáng yêu: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” (Mười quả trứng). Và gặp ngay người Việt khổng lồ của thế kỷ XV Nguyễn Trãi nhắc nhớ: “Khó ngặt qua ngày, xin sống” (Có người bảo nếu có dịp sang phố cổ Québec, ở con phố Auteuil, bạn có thể đến thăm cụ, ngắm bức chân dung cụ do nhà điêu khắc Trương Chánh Trung thực hiện)…

Nhà thơ Phùng Quán thì nhẹ nhàng bày cách vượt qua số phận: “Có những phút ngả lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Câu thơ nào mà sức mạnh ghê gớm vậy, đã ai hỏi nhà thơ có “Tuổi thơ dữ dội” chưa?.

Có những người tôi yêu, từ trang viết của họ lại đặt cho tôi nhiều câu hỏi, mãi tôi chưa thể trả lời, bởi phép tính của Văn làm gì có đáp số cuối cùng.

Ấy là một kẻ sĩ như Nguyễn Công Trứ với tuyên ngôn sống: “Phải có danh gì với núi sông”; là một vị quan văn nhưng làm tướng đánh đâu thắng đó; là người khai sinh hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải; là người có công đưa thể hát ả đào thành thể thơ dân tộc độc đáo: Hát nói;

Là họa sĩ tự họa chân dung tài hoa, phóng khoáng qua hai tác phẩm nổi tiếng: “Hàn nho phong vị phú” và “Bài ca ngất ngưỡng”; là người chồng 73 tuổi hóm hỉnh trả lời vợ mới cưới khi cô ấy hỏi tuổi: “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”… vậy nhưng ông ấy không chấp nhận cô Kiều (chịu nhiều hoạn nạn, khổ đau) của Nguyễn Du. Tại sao?

Nguyễn Du, người được yêu vì hình như cả đời sống im lặng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tất cả tình yêu nghĩ suy trải nghiệm… gửi vào thơ văn. Tôi yêu một Nguyễn Du trẻ trung, mơ mộng trong “Thác lời trai Phường Nón” và trong “Mộng đắc thái liên”, một Nguyễn Du đớn đau dằng xé trong “Truyện Kiều” và “Độc Tiểu Thanh ký”, một Nguyễn Du phiêu dao qua “Văn chiêu hồn”…

Tôi muốn hỏi ông nhiều điều lắm, chẳng hạn như: “Vì sao cung đàn Kiều chưa một lần dành cho Từ Hải?”; “Cây hoa “Hải đường lả ngọn đông lân” trong thơ ông đến từ vùng đất nào?” (vì trong thực tế cây hải đường ở ba miền nước Việt, thân mộc, cành thẳng cứng cát như cây chè, làm sao dịu dàng thướt tha lả ngọn);…

Là nữ sinh lớp 10 (1970 - 1971, Trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị), tôi đã thuộc câu thơ của Cao Bá Quát từ lời giảng của cô giáo dạy Văn xưa: “Hãy rời bỏ giấc mộng của bác giữa ban ngày nơi cửa sổ tối/ mà xem tôi đây trong tấm lòng vẫn giấu một mảnh trời xanh” (dịch nghĩa).

Sau này, lớn lên, tôi muốn viết đề tài: Mảnh trời xanh trong tâm hồn thơ Cao Bá Quát, thì hỡi ôi, đi tìm nguyên tác bài thơ “Thư gởi bạn” chữ Hán không ra, dù đã miệt mài cậy nhờ khá nhiều phương cách.

Cứ thế, tôi mải miết đi tìm. Có lúc gặp may, khi tìm tới thi sĩ lạ thường Bùi Giáng: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”*; “Dạ thưa Vỹ Dạ về gần/ đã từ xa lắm thiên thần nhớ em”**, tôi được gặp nhà thư pháp Bùi Hiến, bà con với thi sĩ, đến phòng tranh (hoa lá ép tại Galery Bích Câu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001) trò chuyện và viết tặng thơ lên áo dài lụa Hà Đông.

Rồi được gặp nhà báo Lê Huỳnh Lâm qua bài viết “Bùi Giáng làm thơ về xứ Huế” (báo Đà Nẵng điện tử 06/11/2016) tôi hiểu rõ hơn nguồn gốc, tên đề bài thơ, nguyên bản của 4 dòng thơ trích trên (tên đề: Thôn xóm Thừa Thiên* và Đêm Vỹ Dạ**)…

Huế quyến rũ bởi vẻ đẹp huyền ảo ẩn sâu dưới những vỉa tầng trầm tích văn hóa. Cách đây hơn 1/4 thế kỷ, tôi đã hoàn thành và được Sở Giáo dục tỉnh nhà ngày ấy nghiệm thu đề tài khoa học cấp Sở: “Dạy văn học địa phương Thừa Thiên - Huế trong chương trình Trung học phổ thông”.

Ngày ấy, tôi đã thầm yêu khá nhiều tác giả địa phương, đặc biệt yêu nữ sĩ hoàng tộc Mai Am, yêu nhất cảnh tiễn đưa: “Đông phong bất giải lưu Xuân trú/ Cánh tác phi hoa tống khách châu” (Gió xuân chẳng biết cầm Xuân lại/ Còn thổi hoa bay đến tiễn người).

“Hôm nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” từ câu thơ này của Nguyễn Bính, tôi đã từng ao ước có một tour du lịch Huế theo dòng văn học. Sẽ mời du khách ngắm nhìn dòng Hương qua nhiều góc nhìn, nhiều đôi mắt, nhiều tâm tưởng, nhiều không gian - thời gian khác nhau được xâu chuỗi từ các tác phẩm văn học phương gần, phương xa viết về dòng sông thơm hương Thạch xương bồ.

Hẳn sẽ có người ngạc nhiên khi nhà thơ Cao Bá Quát tả sông Hương thật lạ lùng: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Sông dài như kiếm dựng trời xanh). Sẽ mời du khách đến với mưa Huế, yêu mưa Huế, đặc biệt như nhà văn Nguyễn Mộng Giác: “Mưa tê tái, mưa lạnh lùng. Nhưng ngay trong cái tê tái nhợt nhạt ấy, Huế vẫn cứ thơ… Tình yêu của Huế thật sự không cần cầu viện đến nắng vàng, trời trong, mây xanh. Ủ dột u ám cũng có nét đẹp của nó” (Nhớ Huế, 1995) và như nhà thơ Hải Bằng: “Khi ra đi có cái gì luyến tiếc/ Không được cầm mưa như hành lý để chia tay” (Mưa Huế)…

Có một trời mơ ước khi chúng ta yêu văn học. Tôi luôn mơ như nhà thơ Quang Dũng: “Em mãi là 20 tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ giữ trọn tình người cho đẹp”.

Có một thế giới hạnh phúc khi chúng ta chịu thương chịu khó đọc sách. “Trí tuệ giàu lên nhờ những gì nó nhận được. Con tim giàu lên nhờ những gì nó cho đi” (Victor Hugo).

Có một con tằm nhỏ bé là tôi, luôn biết ơn những cuộc gặp gỡ trong trường học, trên đường đời, qua trang sách, vì đúng như nhà thơ Trần Thoại Nguyên khẳng định chắc nịch:“Gặp nhau đâu phải tình cờ/Từ vô lượng kiếp đã chờ đợi nhau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ