Rung động lạ thường...
“- Cốc cốc cốc/- Ai gọi đó/- Tôi là Thỏ/- Nếu là Thỏ/Cho xem tai...”...
Những ngày hè đặc biệt, bé Phương Thảo năm nay vào lớp 1 (Thái Bình) véo von đọc thơ chơi đùa với ông ngoại. Lúc thì bé làm Thỏ và yêu cầu ông ngoại làm Nai, lúc bé làm chị Gió còn ông ngoại làm Vạc...
Thế rồi, Phương Thảo không khỏi tròn mắt ngạc nhiên khi nghe ông ngoại nối tiếp những câu thơ: “- Cốc, cốc, cốc!/- Ai gọi đó?/- Tôi/- Tôi là ai?/- Là Cáo/- Mày đừng láo Phải cút ngay!/ Mày là tay/Trộm gà vịt”.
Cô bé mau mắn hỏi, sao ông lại có những câu thơ này? Ông ngoại cười tủm tỉm: “Ông Võ Quảng viết đấy. Hay không?”. Bé Phương Thảo gật gật đầu rồi reo lên: “Con Cáo toàn trộm gà vịt nên không mời vào: Kiễng chân cao/Trèo qua cửa/Cùng soạn sửa/Đón trăng lên…”.
Ở Hà Nội, các bạn nhỏ lớp Hươu 1 Trường Mầm non Khúc Khích cũng có dịp “khởi động” bữa ăn trưa của mình bằng trò chơi với thơ Võ Quảng. Ấy là, cô giáo cùng các bạn nhỏ vừa đọc khổ thơ đầu của bài thơ “Mời vào” vừa đóng vai thành chú Thỏ thật đáng yêu và vui vẻ. Trong khi đó, Câu lạc bộ Cốc Cốc Cốc – CLB vẽ lấy cảm hứng từ bài thơ của nhà thơ Võ Quảng thì mở những lớp vẽ Thỏ, Nai, Vạc, Gió.
Theo họa sĩ Nguyễn Việt Hòa, người sáng lập CLB, từ những lớp vẽ Thỏ, Nai, Vạc, Gió, các em nhỏ (trong đó có nhiều bạn nhỏ mắc hội chứng tự kỷ), đã lớn lên và trưởng thành qua nhiều trải nghiệm, những ấn tượng đầu đời về thơ văn Võ Quảng.
“Đó sẽ mãi là hành trang bên các em, để đi để nhớ, để sống một cuộc đời thật trong mát, vui vẻ, như tình yêu của cụ Võ Quảng đã nâng niu thương mến con trẻ thuở nào...”, họa sĩ Nguyễn Việt Hòa bày tỏ.
Trước đó, những tiếng “Cốc, cốc, cốc…” còn vang lên rộn rã trên sân khấu của sân thơ trẻ đúng vào Ngày thơ Việt Nam năm 2016. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả khán giả từ những bậc cao niên đến các em nhỏ cùng thích thú vanh vách hòa giọng đáp lời của Thỏ, của Nai, của Vạc, của Gió…
Thật dễ dàng thấy ở sân thơ ấy, bên cạnh những ánh mắt nao nức của các em là những ánh mắt bồi hồi, nhung nhớ của người lớn. Có lẽ, mỗi câu thơ vang lên như gõ cửa ký ức tuổi thơ đẹp tươi của bao người.
Cũng từ đây có người còn chợt khe khẽ nhắc đến những câu thơ đáng yêu khác: Ai dậy sớm/ Bước ra nhà/ Cau xòe hoa/ Đang chờ đón... Ai dậy sớm/ Chạy lên đồi/ Cả đất trời/ Đang chờ đón” (“Ai dậy sớm”); hay Mặt trời gác núi/ Bóng tối lan dần/ Anh Đóm chuyên cần/ Lên đèn đi gác… (“Anh đom đóm”); Một buổi sớm mai/ Trời chưa bừng sáng/ Con gà trống xám/ Đập cánh ó, o!/ Nghe tiếng gọi to/ Mái hoa bừng mắt… (“Gà mái hoa”)...
Không chỉ là những bài thơ mà cả những trang văn của Võ Quảng cũng luôn rộn ràng gõ cửa tuổi thơ. Ấy là, câu chuyện “Những chiếc áo ấm” vang lên từ CLB Đọc sách cùng con đến không gian Cà phê Đông Tây rồi Trường Thực nghiệm...
Chỉ là chuyện đám Thỏ, Nhím, Tắm, Bọ Ngựa, Ốc Sên… cùng hợp sức may những chiếc áo ấm nhưng với cách kể tự nhiên, mộc mạc; sự quan sát tinh tế về từng loài vật mà nhà văn đã dẫn dụ độc giả của mình đi đến những ồ, à để rồi thấm thía với bài ca lao động tập thể ngọt ngào vang lên từ tiếng hát của Gió: “Một việc dù lớn bé/ Một mình khó làm xong/ Phải chung sức đồng lòng/ Công lao của tập thể/ Ta sinh ra là để/ Giúp ích cho mọi người/ Đời có đẹp có tươi/ Thì ta mới sung sướng”.
Ấy là, tối tối, những ông bố, bà mẹ đọc truyện Võ Quảng cho các con của mình và cùng cười rúc rích. Như chị Phạm Thị Kim Dung (Hà Nội) đã chia sẻ video chị cùng con trai đọc truyện “Bài học tốt” rút trong tập “Những truyện hay viết cho thiếu nhi của Võ Quảng” trong chương trình “Cả nhà mình cùng đọc sách” của CLB Đọc sách cùng con.
Với chị Dung, đây có thể coi là một “kỳ tích” vì không phải câu chuyện nào cũng có thể giữ chân cậu con trai hiếu động của mình chịu ngồi yên không chỉ nghe truyện mà còn tò mò hỏi mẹ: “Bốn vó” là gì. Chẳng là, trong câu chuyện có chi tiết khi Rùa hỏi chỗ nào chạy nhanh nhất, Ngựa nói là “bốn vó”.
Thế đấy, tất cả những “Mời vào”, “Ai dậy sớm” hay “Bài học tốt”, “Những chiếc áo ấm”... đều được nhà văn Võ Quảng viết từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước – nghĩa là chúng đều ở “lứa” U60, vậy mà chưa khi nào bị độc giả lãng quên.
Trái lại, ngày mỗi ngày, ta vẫn bắt gặp những trang văn, những bài thơ ấy ở được đọc, được kể, được chơi rộn ràng, sống động với bất kỳ ai và ở bất kỳ đâu.
Tiếng vang trong trẻo...
Là người thường xuyên “ứng dụng” những tác phẩm của nhà văn Võ Quảng vào các chương trình hoạt động của CLB Đọc sách cùng con, TSGD Nguyễn Thụy Anh từng bày tỏ, Võ Quảng là một trong những nhà văn cho chị những kỹ ức tuổi thơ êm đềm, cứ như thể chính chị đã sinh ra, lớn lên bên dòng Thu Bồn xanh mát cùng những cục, những cù lao hồn nhiên hóm hỉnh, nhân hậu, đáng yêu, cùng đi chăn trâu làng tằm, dạy chữ quốc ngữ diệt giặc dốt với họ.
Theo chị, Võ Quảng giữ được cho người đọc cả thế giới sống động và chân thực. Nhân vật của ông hiện lên rất cá thể, chi tiết mà vẫn có tính biểu tượng cao. Cái cười trong văn của ông là tiếng cười hồn hậu, thật thà và sảng khoái của người Nam Trung Bộ.
Nhất là, “Bối cảnh văn chương thấm đẫm không khí thời đại ông sống, ấy thế mà vẫn gần gũi với thế hệ người đọc bây giờ. Có lẽ đó là nhờ một cầu nối quan trọng: Sự trong trẻo của tuổi thơ”, TSGD Nguyễn Thụy Anh lý giải.
Đối với họa sĩ Chu Linh Hoàng, khi minh họa tập thơ “Ai dậy sớm” – phiên bản mới được NXB Kim Đồng ấn hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Võ Quảng dù phải dành nhiều thời gian để lên ý tưởng minh họa song anh đã “vẽ mãi không chán”. Cũng vì, những loài vật, thiên nhiên trong thơ Võ Quảng gợi nhiều hình tượng đẹp - vẻ đẹp trong sáng, thơ mộng và dày cảm xúc.
Riêng nhà văn Pháp Alice Kahn, người dịch truyện dài “Quê nội” của Võ Quảng sang tiếng Pháp thì nhận định rằng “Các độc giả phương Tây có lẽ sẽ ngạc nhiên giữa bao nhiêu khía cạnh dân tộc của người Việt Nam”.
Ngạc nhiên vì lẽ gì đây? “Chẳng những sự say mê xem hát tuồng của dân làng và vai trò quan trọng của sân khấu trong đời sống của họ, cảnh chạy trốn chiến tranh hay chạy trốn đói nghèo kéo dài suốt lịch sử đất nước Việt Nam qua bao thế kỉ đã từng tạo nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bài hát dân gian”, như nhà văn Alice Kahn viết trong lời tựa bản dịch “Quê nội”.
Không chỉ thế, Alice Kahn còn “khoe”: “Khi giới thiệu quyển truyện “Quê nội” của Võ Quảng người ta bảo tôi: Đây là một loại Tôm Xây-dơ của Việt Nam. Đã từ lâu tôi rất thích tác phẩm Tôm Xây-dơ. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng tôi cảm thấy còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn”.
Nhìn nhận ở góc độ giáo dục, TS Lê Nhật Ký còn cho biết, thơ văn Võ Quảng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm khai thác từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX.
“Có thể nói, trong nhiều thập kỉ qua, mối quan hệ giữa Võ Quảng và nhà trường không ngừng được khẳng định, tạo nên những tác động tích cực vào quá trình phát triển nhận thức, đặc biệt là tâm hồn của các em học sinh. Về phía người học, trong thẳm sâu kí ức, họ luôn nhớ về ông với những “Mời vào”, “Ai dậy sớm”, “Những chiếc áo ấm”, “Quê nội” và rất nhiều tác phẩm khác nữa…”, TS Lê Nhật Ký nhấn mạnh.
Quả vậy, trước đó, những cây viết nổi tiếng cho thiếu niên như Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Hà Ân, Đoàn Giỏi, Lê Phương Liên... cũng từng dành những tình cảm yêu mến đặc biệt với nhà văn Võ Quảng.
Với nhà văn Vũ Tú Nam: “Nhịp điệu và âm sắc trong thơ, văn Võ Quảng là tiếng vang trong trẻo của tâm hồn anh. Một cái gì đó vừa trầm ấm, đôn hậu, vừa ngộ nghĩnh, vui tươi, rất gần với bạn đọc thiếu nhi”.
Còn nhà văn Hà Ân thì: “Trong số những người viết cho các em, Võ Quảng là người dành hết tâm hồn, hết sức lực, có nghĩa là toàn vẹn cho sự nghiệp ấy”.
Nhà văn Đoàn Giỏi cũng góp lời bàn: “Những cái ta đọc thấy mới là do tác giả có được một bản lĩnh mới trong cách nhìn, cách cảm nghĩ, cách thể hiện, cách sử dụng ngôn ngữ. Không thể có cái mới nếu không đi được vào bản chất của hiện tượng, cách cảm thụ, cách suy nghĩ, cách viết. Có được cái mới phải có một lao động nghiêm túc từ chọn lời, tìm chữ, từ kiến thức câu văn, từ vốn phong phú hiểu biết tiếng mẹ đẻ…”.
“Giản dị chứ không phải giản đơn”
Nhà văn Võ Quảng là người được sinh ra trong một gia đình của truyền thống khoa cử ở quê hương Quảng Nam. Ông sớm tham gia cách mạng, từng bị địch bắt, chịu cảnh tù đày, quản thúc và từng đảm đương nhiều chức vụ quan trọng ở Đà Nẵng.
Võ Quảng bắt đầu sự nghiệp văn chương khá muộn, năm 37 tuổi mới trình làng tác phẩm đầu tiên, tập thơ “Gà Mái Hoa” nhưng ngay lập tức được bạn đọc và giới văn chương mến mộ. Nối tiếp đó là những tập thơ: “Thấy cái hoa nở” (1961), “Nắng sớm” (1965), “Anh Đom Đóm” (1970), “Măng tre” (1972)...; những tập truyện ngắn: “Cái lỗ cửa” (1959), “Cái thăng” (1961), “Chỗ cây đa làng” (1964), “Những chiếc áo ấm” (1970)... cùng những “Quê nội” (truyện dài, 1973), “Tảng sáng” (truyện dài, 1978), “Kinh tuyến và vĩ tuyến” (tiểu thuyết, 1995)...
Không chỉ thế, Võ Quảng còn là tác giả của những phim hoạt hình như “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Những chiếc áo ấm”, “Con 2”; là dịch giả đầu tiên phỏng dịch và giới thiệu truyện “Hiệp sĩ Don Quixote”, “Robin Hood – Hiệp sĩ rừng Sherwood” cùng một số truyện ngắn của Marcel Proust.
Là người dành trọn cuộc đời và tâm huyết cho sáng tác thiếu nhi, với Võ Quảng, viết cho thiếu nhi là tình yêu và lẽ sống của ông; là việc dành những gì đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất cho thiếu nhi. Bởi vậy, bên cạnh những trang văn, ông còn dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu tâm lý tiếp nhận của trẻ em; tìm hiểu những quan điểm, phương pháp sáng tác của các nhà văn lớn trên thế giới viết cho thiếu nhi. Từ đó, ông viết những bài viết nêu quan điểm sáng tác của mình đăng trên báo chí cũng như tham luận tại các hội thảo, tọa đàm mà đến giờ đọc lại vẫn còn nguyên giá trị.
Với Võ Quảng, “một tác phẩm viết cho các em có giá trị cao khi nào cũng phản ánh được sinh động thực tế cuộc sống, tâm hồn của các em và khi nào cũng phải viết đúng đối tượng. Muốn viết tốt cho các em phải có vốn sống về các em, phải am hiểu các môn tâm lí, sinh lí”.
Cùng với đó, theo Võ Quảng, sáng tác cho thiếu nhi không thể quên vấn đề minh họa. Cũng bởi, vẽ đối với các em không phải chỉ là vấn đề trình bày mà nó thuộc về nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Nó quan trọng ngang với viết.
Đặc biệt, nhà văn đã đúc kết 4 đặc trưng khi sáng tác cho thiếu nhi rất đáng để những người cầm bút hôm nay lưu tâm: “Đó là sự rõ ràng, trong sáng. Đó là sự giản dị. Đó là sự vui tươi. Đó là chất tưởng tượng”.
Trong đó, ông nhấn mạnh về sự giản dị: “Đó là sự giản dị, giản dị chứ không phải là giản đơn. Sự giản dị ở đây là dấu hiệu của sự chín muồi trong sáng tạo nghệ thuật, nó giúp làm sáng tỏ các hình tượng và chủ đề. Ở đây không có sự nghèo nàn về ngôn ngữ và tình cảm. Ngôn ngữ của nhiều nhà văn tiêu biểu trên thế giới lắm lúc cũng chỉ giản dị, không có sự phức tạp cầu kì.