Lời chua xót cuối phiên tòa của Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

GD&TĐ - Ngày 21/1, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cùng 7 bị cáo khác về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Các bị cáo tại phiên toà.
Các bị cáo tại phiên toà.

Vụ án này có liên quan đến việc nâng khống giá thiết bị robot Rosa gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng cho người bệnh.

Được nói lời sau cùng, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh mong Hội đồng xét xử xem xét mục đích, động cơ của các bị cáo. Theo bị cáo Nguyễn Quốc Anh đó là vì không muốn bệnh nhân phải ra nước ngoài chữa trị, với chi phí tốn kém gấp hơn chục lần.

"Chúng tôi đã hết lòng vì người dân, rất mong muốn có các thiết bị này để điều trị cho người dân trong nước. Trong quá trình triển khai gây ra sự nóng vội, dẫn đến thiếu sót một số thủ tục hành chính, bên cạnh đó, quy định hiện hành không rõ ràng. Hôm nay, đứng tại đây, chịu phán xét của pháp luật khiến tôi vô cùng đau xót", cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: Đỗ Mến
Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh:  Đỗ Mến

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh mong được khoan hồng, sớm trở về xã hội, tiếp tục mang kinh nghiệm nhiều năm đóng góp việc cứu chữa cho các bệnh nhân. Các bị cáo khác cũng đều mong muốn được xem xét lại động cơ, mục đích phạm tội, xin được khoan hồng để sớm về với gia đình.

Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Anh mức án 5-6 năm tù; Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 4-5 năm tù; Trịnh Thị Thuận, cựu Kế toán trưởng 30-36 tháng tù treo và Lý Thị Ngọc Thủy, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán 24-30 tháng tù treo.

Bị can Phạm Đức Tuấn, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS bị đề nghị 30-36 tháng tù treo, Ngô Thị Thu Huyền, Cựu phó Giám đốc Công ty BMS 24-30 tháng tù treo, Trần Lê Hoàng, cựu thẩm định viên Công ty VFS 30-36 tháng tù và Phan Minh Dung, Cựu Tổng giám đốc Công ty VFS 24-30 tháng tù. Hội đồng xét xử nghị án và dự kiến tuyên án vào sáng ngày 24/1.

Cáo trạng thể hiện, Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên năm 2016, Phạm Đức Tuấn đã đến gặp Nguyễn Quốc Anh để chào bán loại robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỉ đồng và robot Mako giá 44 tỉ đồng.

Giám đốc Bạch Mai không đồng ý vì thủ tục phức tạp nên hai bên thống nhất Công ty BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn tự đưa ra.

Nguyễn Quốc Anh sau đó tự ý ký hợp đồng với Công ty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế.

Để có thể hợp thức giá robot, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Công ty thẩm định giá VFS nơi bị can Trần Lê Hoàng làm việc. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ Công ty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng.

Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỉ đồng.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết. Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm thực hiện.

Do vậy, theo Viện Kiểm sát cần phân hóa trách nhiệm đối với từng bị cáo để quyết định hình phạt và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với từng bị cáo.

Cáo trạng cũng thể hiện: Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi, phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền, Trịnh Thị Thuận, Phan Minh Dung đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính. Bị cáo Phạm Đức Tuấn nộp lại hết số tiền thiệt hại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ