Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận tiền của nhà thầu vì đúng dịp... "Tết dân tộc"

GD&TĐ - Sáng 20/1, TAND Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai liên quan đến hành vi nâng khống giá thiết bị y tế.

Theo đó, 8 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Quốc Anh (SN 1959, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1960, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Trịnh Thị Thuận (SN 1974, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Bạch Mai), Lý Thị Ngọc Thủy (SN 1968, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Bạch Mai).

Phạm Đức Tuấn (SN 1979, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS-viết tắt là Công ty BMS), Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS), Trần Lê Hoàng (SN 1978, Thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội VFS- viết tắt là Công ty VFS) và Phan Minh Dung (SN 1973, Tổng Giám đốc Công ty VFS) cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo quy định tại Điều 356 BLHS.

Tại phiên toà, 3/37 bị hại có mặt gồm: anh Nguyễn Đăng H. (SN 1974, ở Hà Nội, là bệnh nhân), bà Phạm Thị L. (SN 1986, ở Nghệ An, có con trai bị mổ não) và anh Phạm Văn K. Hội đồng xét xử cũng triệu tập những người liên quan đến vụ án gồm: Đại diện Bệnh viện Bạch Mai (3 người nhận ủy quyền), Công ty BMS (nay là Công ty Năng lượng cuộc sống), Công ty Thẩm định giá VFS (vắng mặt) và một số người liên quan khác.

Mặc dù vắng mặt nhiều bị hại và người liên quan đến vụ án, nhưng Hội đồng xét xử quyết định phiên toà tiếp tục được diễn ra.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (bên trái) cùng đồng phạm tại phiên toà. Ảnh: An ninh Thủ đô.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (bên trái) cùng đồng phạm tại phiên toà. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Tại phiên toà, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận trách nhiệm của mình khi là người đứng đầu, nhưng để xảy ra sai phạm.

Bị cáo này khai, do tin tưởng vào đơn vị thẩm định giá và việc liên danh liên kết nhằm mục đích mang lại lợi ích cho người bệnh, giúp người bệnh giảm chi phí, không phải ra nước ngoài điều trị với giá đắt và hoàn toàn không có vụ lợi.

Theo thỏa thuận, Bệnh viện Bạch Mai được hưởng 50% và sau 7 năm máy sẽ là của bệnh viện. Như vậy, sau này giá điều trị còn thấp hơn nữa. Bị cáo Quốc Anh nói: "Chưa bao giờ chúng tôi có được thỏa thuận lợi như thế, hoàn toàn vì người bệnh và vì bệnh viện".

Trình bày về lợi ích riêng có được trong thỏa thuận liên kết với Công ty BMS, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khai vào các dịp lễ tết, bị cáo Phạm Đức Tuấn có đến bệnh viện chúc tết Ban Giám đốc, các phòng ban, trong đó có bị cáo. Mỗi lần đến bị cáo Tuấn đưa từ 10 - 20 triệu đồng, hoặc 1.000 - 2.000 USD.

"Tôi nghĩ đây là lễ Tết dân tộc, và những ngày đó bệnh viện cũng đi chúc Tết các nơi. Tôi không nghĩ đó là tiền tiêu cực. Trong 3 năm trời, 400 triệu và 10.000 USD. Khi làm việc với cơ quan điều tra, tôi thấy tiền đó không chính đáng nên đã khắc phục", cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khai.

Dù thừa nhận việc cầm tiền vào các dịp lễ tết, nhưng cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, những việc mình làm là vì người bệnh, không có móc ngoặc, ăn chia. Tiền doanh nghiệp biếu Tết được tập hợp lại và đều chia một cách công khai.

Trình bày về các thành tích của mình, bị cáo Nguyễn Quốc Anh chia sẻ: "Bản thân tôi hôm nay đứng đây, tôi vô cùng đau đớn. Dù là tôi giao anh em làm, tin tưởng anh em rồi ký, nhưng việc này trách nhiệm đầu tiên là tôi. Tôi chỉ mong Hội đồng xét xử xem xét khách quan, công tâm tất cả những cái tôi làm.

Tôi không nhận hối lộ, số tiền tôi nhận là mấy năm tiền nhận vào dịp lễ Tết, mong Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cho chúng tôi được hưởng lượng khoan hồng, được đóng góp tiếp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Bản thân tôi cũng nhiều bệnh, mong Hội đồng xét xử cho tôi được hưởng khoan hồng, được sớm được về với gia đình".

Cáo trạng thể hiện, Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên năm 2016, Phạm Đức Tuấn đã đến gặp Nguyễn Quốc Anh để chào bán loại robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỉ đồng và robot Mako giá 44 tỉ đồng.

Giám đốc Bạch Mai không đồng ý vì thủ tục phức tạp nên hai bên thống nhất Công ty BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn tự đưa ra.

Nguyễn Quốc Anh sau đó tự ý ký hợp đồng với Công ty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế.

Để có thể hợp thức giá robot, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Công ty thẩm định giá VFS nơi bị can Trần Lê Hoàng làm việc. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ Công ty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng.

Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỉ đồng.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết. Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện cho Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm thực hiện.

Do vậy, theo Viện Kiểm sát cần phân hóa trách nhiệm đối với từng bị cáo để quyết định hình phạt và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với từng bị cáo.

Cáo trạng cũng thể hiện: Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi, phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền, Trịnh Thị Thuận, Phan Minh Dung đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính. Bị cáo Phạm Đức Tuấn nộp lại hết số tiền thiệt hại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.