Lợi cho dân khó mấy cũng phải làm

GD&TĐ - Doanh nghiệp, người dân hy vọng TPHCM khắc phục tình trạng cán bộ chây ì, trì trệ để việc giải quyết thủ tục hành chính suôn sẻ, thuận lợi hơn.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Mạnh tay với cán bộ trì trệ

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc.

Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 280 ngày 20/4 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Thành phố yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền, cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết.

Quyền hạn, trách nhiệm của tập thể được cá thể hóa trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Sở ngành, địa phương phải bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

“Đối với những trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định; xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực”, văn bản nêu.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng yêu cầu các cơ quan tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất, nhằm kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, xin ý kiến việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình lên UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan để né tránh trách nhiệm.

Một cán bộ khu phố ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TPHCM đến từng hộ dân giải quyết thủ tục nhận trợ cấp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháng 4/2020. Ảnh: Mạnh Tùng

Một cán bộ khu phố ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TPHCM đến từng hộ dân giải quyết thủ tục nhận trợ cấp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháng 4/2020. Ảnh: Mạnh Tùng

Doanh nghiệp, người dân mừng

Ông Huỳnh Thanh Phú đề xuất, ngoài việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM, các cơ quan, đơn vị cần rà soát lại công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá lao động. Phải sáng tạo, đổi mới, có nhiều sáng kiến thay đổi. Nếu chỉ làm tròn vai nhiệm vụ của mình thì không thể đánh giá là xuất sắc, tốt được, mà chỉ là trung bình. Mà những cán bộ quản lý ở mức trung bình thì cần phải được rà soát lại việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm.

Sau động thái quyết liệt như đã nêu của UBND TPHCM, ghi nhận của Báo GD&TĐ cho thấy người dân của đầu tàu kinh tế đất nước đang rất ủng hộ chủ trương trên. Họ hy vọng, chờ đợi việc này sẽ hạn chế, loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ chây ì, né trách nhiệm, cầu an. Từ đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công cho người dân sẽ được hanh thông.

Ông Lê Văn Thịnh (42 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết bản thân ông từng nhiều lần gặp tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi làm việc các cán bộ cơ quan Nhà nước để xin đăng ký kinh doanh. “Họ từ chối nhận đơn, hồ sơ của mình dù giấy tờ của mình hợp lệ, rồi bắt bổ sung giấy tờ này, thủ tục kia, đi lòng vòng khắp các ban, ngành”, ông Thịnh kể.

Theo ông Thịnh, những sự né tránh, đùn đẩy này khiến thời gian giải quyết thủ tục hành chính kéo dài, người dân bức xúc. Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, kinh tế của người dân và làm suy giảm lòng tin của họ vào cán bộ.

Còn anh Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, trú tại TP Thủ Đức) kể lại chuyện chật vật làm hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn cuối năm 2022. Chỉ vì công ty chốt nhầm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, anh Tùng phải nhiều lần gõ cửa đến cơ quan bảo hiểm để giải quyết.

Chưa hết, khi đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp ở chi nhánh Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, anh cũng phải đi lại nhiều lần mới được nhận quyết định.

“Mọi thông tin về bảo hiểm hiện nay đã được đồng bộ hóa lên hệ thống, nhưng khi tôi trình ra thì họ nói không chấp nhận, phải có giấy tờ hẳn hoi. Chỉ sai một li thì phải đi lại mấy bận”, anh Tùng kể và cho rằng, nếu cán bộ dám nghĩ, dám làm, người dân sẽ không còn vất vả khi làm thủ tục hành chính.

Tương tự, chủ trương của thành phố cũng được doanh nghiệp tiếp nhận trong sự hy vọng. Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay sợ nhất tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong khâu giải quyết hồ sơ cấp phép dự án của các cơ quan.

Nhiều đơn vị “bắt” doanh nghiệp đi nhiều nơi, dù thủ tục đó thuộc về thẩm quyền của đơn vị mình. Điều này làm cho tiến độ thực hiện các dự án của doanh nghiệp bị kéo dài nhiều năm, khiến họ mất đi cơ hội kinh doanh và hao tổn chi phí.

“Phải giải quyết được vấn đề này mới có thể khai thông được khâu thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân và giúp thành phố phát triển”, ông Nghĩa nói.

Về phía cán bộ, công chức, viên chức, nhiều người đón nhận thông tin trên với nhận thức bản thân “cần phải trách nhiệm hơn”. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân nhận định, hiện nay không ít cán bộ, viên chức quản lý có tư tưởng “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm thì không sai”.

Thầy hiệu trưởng đưa ra ví dụ, Bộ GD&ĐT đã có quy định rõ ràng về việc chuyển trường cho học sinh ở từng loại hình trường học. Tuy nhiên, vì ngại các thủ tục rườm rà, mất thời gian, nhiều địa phương, trường học tự ý ban hành những tiêu chí phụ, cản trở nhu cầu chuyển trường của phụ huynh, học sinh.

“Hay như việc xây dựng trường học hạnh phúc, dù được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhưng nhiều trường, cán bộ quản lý trì trệ, không thực hiện. Muốn làm trường học hạnh phúc nhưng không dám tổ chức các hoạt động, buổi trải nghiệm, không sáng tạo các hình thức dạy học mới mẻ… vì ngại thay đổi”, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ