Lội bùn mang chữ vượt ngàn

GD&TĐ - Vượt mọi khó khăn, trở ngại, các cô giáo ở vùng cao huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hằng ngày bám bản dạy chữ cho học sinh người Vân Kiều.

Cô giáo Hồ Thị Khiếp chăm sóc trẻ tại điểm trường thôn Ho Le. Ảnh: NTCC
Cô giáo Hồ Thị Khiếp chăm sóc trẻ tại điểm trường thôn Ho Le. Ảnh: NTCC

Vượt mọi khó khăn, trở ngại, các cô giáo ở vùng cao huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hằng ngày bám bản dạy chữ cho học sinh người Vân Kiều. Bằng tất cả tình yêu thương, các cô hết mực tận hiến cho sự nghiệp “trồng người” miền biên ải.

Gian nan đường dạy chữ

Bước vào mùa mưa, con đường dẫn đến bản Ho Le (xã Húc) bị trơn trượt với lớp bùn đất ngập sâu tới đầu gối. Trước đó, xem đoạn video ghi lại cảnh thầy, cô “đánh vật” trên đoạn đường lầy lội đến điểm trường dạy chữ do Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga gửi, tôi đã vô cùng cảm phục sự tận tụy với trò của các thầy, cô. Và khi đến tận nơi, trực tiếp chứng kiến những gian nan, khó nhọc mà thầy cô vượt qua mỗi ngày, niềm cảm phục ấy càng tăng gấp bội…

Vượt qua đoạn dốc dựng đứng, tiếp tục đi bộ trên con đường lầy lội bùn đất khoảng một giờ đồng hồ, chúng tôi đặt chân đến điểm trường mầm non Ho Le, thuộc Trường Mầm non Húc. Điểm trường do 2 cô giáo phụ trách có 23 trẻ.

Năm học này, cô Nguyễn Thị Phương (trú ở xã Tân Hợp) được phân công đến dạy ở điểm trường Ho Le. Cô Phương cho biết, đây là điểm xa nhất tại xã Húc, giao thông đi lại cách trở, lầy lội.

Mùa nắng có thể chạy xe máy vào tận nơi, mùa mưa phải đi bộ. Trở ngại như vậy nhưng sáng nào cô Phương cùng đồng nghiệp Hồ Thị Khiếp cũng mang theo dụng cụ dạy học, thức ăn để nấu bữa trưa cho trẻ. Buổi chiều, 2 cô tiếp tục vượt con đường bùn lầy trở về.

Cô Phương kể: “Ban đầu nhìn con đường chúng tôi không khỏi ái ngại, nhưng đi nhiều thành quen. Nhiều khi trời mưa to, vừa đi bộ vừa sợ, chuyện ngã xe xảy ra như cơm bữa, vào tới điểm trường thì quần áo ướt sũng. Giáo viên phải nhanh chóng thay đồ để kịp vào lớp dạy trẻ”.

13 năm gắn bó với nghề giáo, cô Hồ Thị Khiếp dạy học ở nhiều điểm trường khó khăn trên địa bàn. Trước khi đến với Trường Mầm non Húc (xã Húc), nữ nhà giáo có 9 năm dạy học ở xã Hướng Việt. Đây cũng là một trong số địa phương khó khăn nhất của huyện.

“Trẻ ở điểm xa trung tâm thường thiệt thòi. Hiểu điều đó, chúng tôi động viên nhau cố gắng dành yêu thương, chăm sóc các cháu nhiều hơn. Giáo viên phải phát huy tối đa trách nhiệm để chăm nuôi, dạy bảo trẻ”, cô Khiếp tâm sự.

Dành trọn yêu thương cho trò vùng cao

Đường lầy lội, trơn trượt khiến nhiều giáo viên bị ngã trên đường đến trường. Ảnh: NTCC

Đường lầy lội, trơn trượt khiến nhiều giáo viên bị ngã trên đường đến trường. Ảnh: NTCC

Ngoài dạy chữ, giáo viên còn kêu gọi cộng đồng hỗ trợ chăm lo cho học trò từng quyển vở, chiếc áo, đôi dép. Đối với học sinh Vân Kiều rẻo cao Hướng Phùng, Hướng Việt, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng luôn gần gũi, ân cần, thầm lặng hỗ trợ cho từ chiếc bút, quyển vở, đến những vật dụng nhỏ nhất.

Hơn 15 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, từ giáo viên “cắm bản” đến cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, cô luôn dành cho học sinh nơi đây sự yêu thương hết mực.

Bước vào năm học này, nhận thấy nhiều phụ huynh không đủ tiền mua sách giáo khoa cho con, cô Phụng dùng tiền tiết kiệm mua tặng hơn 2 nghìn đầu sách cho học sinh, với tổng trị giá gần 40 triệu đồng và 5 triệu đồng để mua đồ dùng học tập.

Không chỉ lo cho trò sách, vở và đồ dùng học tập, thấy các em bán trú mang theo cơm trưa không có thức ăn, cô Phụng lại nỗ lực kết nối nhà hảo tâm để bữa ăn của các em có thêm chất đạm.

Nói về việc tặng sách, cô Phụng cho biết: “Tôi chỉ mong các em có điều kiện tốt nhất để theo đuổi con đường học vấn. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh học trò đến lớp học chay”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết: Địa phương có 60 cơ sở giáo dục, trong đó nhiều điểm trường đóng ở địa bàn khó khăn, điều kiện giao thông cách trở. Những năm qua, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện Hướng Hóa ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đảm bảo điều kiện tốt nhất để thực hiện dạy học. Tuy vậy, do ngân sách hạn chế nên một số điểm trường vùng sâu, xa, các thầy cô vẫn gặp không ít rào cản do thiếu nhà công vụ, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.

“Vượt qua trở ngại, các thầy, cô giáo đã nỗ lực phát huy trách nhiệm để bám trường, lớp, thực hiện tốt nhiệm vụ “trồng người”, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục miền núi ngày càng phát triển. Các thầy, cô là người “gieo hạt giống” tri thức giúp học trò vùng khó trưởng thành, có tương lai tươi sáng hơn. Từ đó, các em sẽ góp sức vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương”, bà Nga cho hay.

Được biết, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị đã tham mưu ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển giáo dục. Trong đó, có chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt với giáo dục và đội ngũ giáo viên đang công tác ở địa bàn khó khăn.

Mong rằng, những chế độ, chính sách này sẽ góp phần động viên, khuyến khích, trở thành động lực, giúp thầy, cô giáo vùng khó tỉnh Quảng Trị yên tâm gắn bó với nghề, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Sở GD&ĐT Quảng Trị đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 17 Nghị quyết về quy hoạch phát triển ngành và các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh. Nhiều nghị quyết triển khai đã tháo gỡ khó khăn mà giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang đối mặt.

Cụ thể: Nghị quyết về xóa phòng học tạm, học mượn, chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động hợp đồng ở các vị trí nấu ăn trong trường mầm non công lập; xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên vùng khó, đồng bào dân tộc thiểu số; nghị quyết hỗ trợ xăng xe cho giáo viên dạy liên trường hoặc điểm trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ