Thêm động lực cho giáo dục miền núi

GD&TĐ - Công tác dạy và học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thời gian qua ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Dạy và học tiếng DTTS ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Dạy và học tiếng DTTS ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Tạo cơ hội đổi thay cho giáo dục trẻ em người DTTS nói riêng và giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi nói chung, nhiều chính sách mới được ban hành và có hiệu lực trong năm 2022. 

Bước chuyển biến tích cực

Đều đặn hàng tuần, học sinh người Chăm tại Trường Tiểu học Lâm Thiện, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận được học hai tiết tiếng mẹ đẻ. Lớp học do cô Thông Thị Lệ, giáo viên môn Tiếng Chăm đứng lớp.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học, cô Lệ về quê giảng dạy và tự tìm hiểu phương pháp dạy tiếng nói và chữ viết tiếng Chăm. Qua 2 - 3 năm, thấy cô Lệ có kiến thức cơ bản, nhà trường cho phép cô đứng lớp 1. Sau đó, cô tiếp tục tham gia chương trình bồi dưỡng của Sở GD&ĐT Bình Thuận để lấy chứng chỉ giảng dạy môn Tiếng Chăm.

Hầu hết học sinh người Chăm đều biết nói nhưng không biết đọc hoặc viết chữ tiếng Chăm. Khi dạy môn này, cô Lệ vận dụng các phương pháp dạy tiếng Việt như tập đọc, chính tả, luyện từ và câu… Cô giáo nhận xét dạy tiếng Chăm có thể hỗ trợ học sinh học tiếng Việt, nhất là học sinh lớp 1. Vì các em chưa biết hoặc không hiểu một số từ tiếng Việt, cô giáo sẽ giải thích những từ này sang tiếng Chăm để các em có thể học tốt các môn khác bằng tiếng Việt.

Cô Lệ cho biết: Nhiều học sinh người DTTS lớn lên trong gia đình nghèo, trình độ nhận thức còn thấp. Tuy nhiên, khi thấy con cái được học tiếng mẹ đẻ, cha mẹ đã ý thức hơn về việc đến lớp và động viên con cái học hành. Ngược lại, học sinh học đọc, viết chữ tiếng Chăm có thể về hướng dẫn cha mẹ, ông bà bảo tồn tiếng nói và chữ viết cội nguồn.

Trường Tiểu học Lâm Thiện có 283 học sinh, trong đó gần 150 em là người DTTS, hầu hết là người Chăm. Thầy  Nguyễn Thành Định, Hiệu trưởng chia sẻ:

Nhà trường có 2 giáo viên giảng dạy môn Tiếng Chăm. Giáo viên dạy tiếng Chăm thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn theo kế hoạch của Sở GD&ĐT để kịp thời cập nhật những phương pháp giáo dục dễ hiểu, khoa học. Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, các thầy cô cũng chịu khó đổi mới phương pháp, mô hình giảng dạy theo hướng phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh.

“Ban đầu, nhiều em chia sẻ học tiếng mẹ đẻ sao khó hơn tiếng Việt. Chữ viết còn xiêu vẹo. Nhưng càng được học sâu, các em càng yêu thích môn học này. Thầy cô giáo cũng tích cực lồng ghép nhiều công cụ dạy học trực quan, sinh động. Bên cạnh học chữ, giáo viên thường kể chuyện, hát các bài dân ca, điệu múa của dân tộc Chăm để các em hứng thú hơn”, thầy Định chia sẻ.

Trong 2 năm gần đây, nhà trường đều có học sinh tham gia cuộc thi viết chữ Chăm đẹp dành cho học sinh DTTS của địa phương. Năm ngoái, học sinh nhà trường giành được giải Nhì, còn cô giáo giành giải Khuyến khích. Trong các buổi lễ, hoạt động của nhà trường, học sinh người Chăm cũng tích cực đóng góp các tiết mục múa dân gian để giới thiệu với bạn bè về văn hoá của dân tộc mình.

Một tiết học của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài, tỉnh Điện Biên.
Một tiết học của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Hừa Ngài, tỉnh Điện Biên.

Động lực đổi thay giáo dục vùng khó

Tại Trường PT DTBT Tiểu học Hừa Ngài, tỉnh Điện Biên, công tác dạy học tiếng DTTS thực hiện theo Đề án dạy tiếng dân tộc cho học sinh TH và THCS được duy trì suốt 10 năm qua. Thầy Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Với 100% học sinh là người Mông, nhà trường cử 2 giáo viên dạy tiếng DTTS tham gia lớp bồi dưỡng tại Trường Cao đẳng Lào Cai, và các khoá tập huấn của sở. Năm học 2021 - 2022, trường có một giáo viên dạy tiếng Mông cho học sinh lớp 3 đến lớp 5, mỗi lớp học 2 tiết/tuần.

“Nhà trường coi dạy tiếng DTTS là mục tiêu quan trọng nhằm duy trì và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Mông, đặc biệt khi chữ viết đang dần bị mai một. Giáo viên dạy theo chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS; đồng thời, tăng cường tự làm đồ dùng học tập trong quá trình dạy do bộ đồ dùng học tập có sẵn còn nhiều thiếu thốn”, thầy Điệp cho hay.

Khắc phục khó khăn để duy trì việc dạy tiếng DTTS trong trường học, vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo đó, giáo viên dạy tiếng DTTS bảo đảm số giờ dạy theo định mức, trong đó có số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số từ 4 tiết/tuần trở lên đối với giáo viên; từ 2 tiết/tuần trở lên đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định. Chế độ phụ cấp dạy tiếng DTTS được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cơ sở vật chất tại các lớp học tiếng DTTS được trang bị như các lớp học thông thường khác, đáp ứng được Chương trình GDPT mới. Thiết bị dạy học tiếng DTTS được trang bị theo quy định của Bộ GD&ĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng chương trình dạy học tiếng DTTS.

Bày tỏ vui mừng, thầy Điệp tin tưởng khi thực hiện theo thông tư mới, đồ dùng học tập, sách giáo khoa và trang thiết bị dạy học sẽ được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; đáp ứng mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi.

Theo cô Lệ, những năm qua, giáo viên dạy tiếng DTTS được tham gia nhiều khoá bồi dưỡng nghiệp vụ; hưởng chính sách, phụ cấp theo quy định giúp giảm khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình dạy học tiếng Chăm còn một số khó khăn. Đơn cử, sách giáo khoa tiếng Chăm có số lượng ít. Đồ dùng dạy học phần lớn do giáo viên tự làm, rất cần bổ sung trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.