“Lôgô” dân tộc Thái trước nguy cơ lụi tàn

“Lôgô” dân tộc Thái trước nguy cơ lụi tàn
Khau cút thời nay đã được làm bằng... tôn
Khau cút thời nay đã được làm bằng... tôn

(GD&TĐ) - Khau cút là hình tượng với những họa tiết văn hóa đặc sắc của người dân tộc Thái xưa; nhưng giờ đây, Khau cút đang đứng trước nguy cơ lụi tàn…

Mai một 

Dọc theo quốc lộ 6, qua bản Nà Hạ, xã Chiềng Mung, chúng tôi bắt gặp hai ngôi nhà sàn duy nhất của bản có hình tượng Khau cút. Có lẽ đây là bản đạt “kỷ lục” có nhiều nhà sàn còn lưu lại Khau cút nhất.

Với mong muốn tìm hiểu về ý nghĩa của Khau cút, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà sàn hai tầng mới được xây cách điệu bằng xi măng cốt thép, Khau cút trên hai đầu hồi vẫn còn trắng tinh màu vôi.

Anh Hà Văn Ân – 35 tuổi, chủ nhân của ngôi nhà cho biết: Là thế hệ con cháu, nên ý nghĩa sâu xa về nguồn gốc của Khau cút thì mình không biết rõ, chỉ biết khi dựng nhà người Thái chúng tôi đều có Khau cút như một điều thiêng liêng, bảo vệ gia đình chúng tôi vậy.

Rời ngôi nhà anh Ân, chúng tôi tìm đến gặp chủ nhân của ngôi nhà sàn thứ hai có Khau cút nằm ngay bên lề Quốc lộ 6, mái ngói đã phủ màu của năm tháng, Khau cút cũng đã bạc màu vôi.

Ông Lò Văn Điện – 55 tuổi cho hay: Trước kia nhà nào cũng làm Khau cút, Khau cút được chạm trổ với nhiều hoạ tiết hoa văn đặc sắc. Không biết lột tả thế nào cho hết, nhưng từ xa xa nhìn về bản mường mình nhà nào cũng có Khau cút thấy đẹp lắm, bình yên, thấy ấm lòng.

Bây giờ, nhà xây mái ngói đỏ hết. “Tôi đi Mường Chanh, Chiềng Chung, nơi gốc gác cội nguồn đấy nhưng cũng không thấy. Rồi qua ở Cò Nòi 3 năm, tôi thấy còn đúng một ngôi nhà sàn có Khau cút. Xưa văn hoá dân tộc phong phú đa dạng lắm, nhưng giờ dần mai một rồi”, ông Điện nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Khau cút chính là 2 thanh tre vắt chéo trên góc mái tranh hai đầu hồi, được hoạ tiết rất công phu và đặc sắc về văn hoá cụ thể của dân tộc Thái. Trước kia hình tượng Khau cút được thể hiện dung dị về cuộc sống, văn hóa bản Thái xưa.

Dần dần, các nghệ nhân dân gian, bằng trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa của mình đã mô phỏng tự nhiên, tạo nên những hoa văn, họa tiết trang trí cho Khau cút có một vẻ đẹp hoàn hảo, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, là tinh hoa văn hoá tự bao đời.

Người Thái Đen có câu: “Khau cút tẻm lai bua, Xinh dua tẻm lai én, Nhả ca bén tin con” có nghĩa là “Khau cút vẽ vân sen, đầu kèo vẽ vân én, mái nhà xén bằng dui”, như tiêu chí về vẻ đẹp của một ngôi nhà người Thái. 

Ông Lò Văn Sọi – 98 tuổi, Bản Ban, xã Chiêng Mai nói: Biểu tượng Khau cút có nhiều ý nghĩa khác nhau. Có người cho rằng đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước. Lại có ý kiến nói, với họa tiết hình trăng, hình cây rau dớn Khau cút gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái ở thế kỷ XI để nhấn mạnh rằng anh em một nhà luôn nhớ về nhau. 

Xưa người Thái có nhiều loại Khau cút: Khau cút quai – làm theo mô típ hình sừng trâu; Khau cút căm – thường làm bằng gỗ, khắc nhiều hoa văn, họa tiết, có một thanh gươm bên dưới tượng trưng cho quyền lực; Khau cút pua là khau cút chùm, được chạm trổ cầu kỳ và rất đẹp. Khau cút pang – làm bằng hai thanh tre hoặc gỗ bắt chéo nhau, không trang trí.

Đến thời đại mới, khi đất nước đã bình đẳng bình quyền, các thế hệ khai thác ý nghĩa nhân sinh phù hợp với quan điểm và trình độ thẩm mỹ của mỗi người, mỗi thời đại.

Song, dù Khau cút mang hình dáng và có những ý nghĩa như thế nào, thì hình tượng Khau cút đã góp phần không nhỏ làm phong phú thêm nền văn hoá của dân tộc Thái.

Mỗi khi bắt gặp hình tượng Khau cút trên nóc ngôi nhà sàn lại thêm ấm lòng, gắn bó hơn với gia đình, bản mường, đất nước… 

Với những giá trị tinh tuý, nguyên bản, cổ sơ như lời hẹn da diết ngày chia tay của tổ tiên mấy nghìn năm trước. Nhưng giờ đây, Khau cút dần biến mất để rồi người con của bản Thái ngày hôm nay tha thiết muốn tìm hiểu, không khỏi day dứt, tiếc nuối.

Mỏi mắt chờ bảo tồn

Khau cút là một nét văn hoá vừa vật thể, vừa là phi vật thể, một hoạ tiết kiến trúc đặc trưng của dân tộc Thái. Đây là thành quả sáng tạo mang tính dân gian, có được do sự kết tinh trong quá trình phát triển lịch sử của dân tộc.

Với sự thay đổi của nhịp sống trong thời đại mới, Khau cút có thể không hiện hữu trên nóc những ngôi nhà sàn, thì nên chăng, hình ảnh, ý nghĩa nhân sinh cao đẹp của Khau cút vẫn cần phải được lưu truyền lại cho muôn đời sau.

Cùng với guồng quay của thời đại, con người mải chạy theo sự hối hả của nhịp sống nên đang dần quên đi những bản sắc riêng của dân tộc mình. 

Giờ đây, những người con dân tộc Thái tha phương trở về không còn có thể phân biệt rạch ròi đâu là nhà sàn của người Thái đen, Thái trắng hay nhà sàn của người Khơ mú, người Mường…

Làm thế nào để giữ hồn dân tộc qua từng hoạ tiết văn hoá; văn hoá dân tộc có còn giữ được nét riêng, không bị pha tạp, là câu hỏi lớn cho các cấp các ngành chức năng. Bảo tồn và phát huy vốn văn hoá dân tộc hiện nay phải bắt đầu từ khôi phục lại những gì đang mai một, gìn giữ được cái đẹp, độc đáo của mỗi dân tộc.

Đây là một công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội, hơn thế là cái tâm của từng cá nhân trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá cho muôn đời sau.

Xuân Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.