Lọc ảo chung, có khả thi?

GD&TĐ - Để tránh hiện tượng thí sinh trúng tuyển ảo vào các trường, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh kỹ thuật bằng việc lọc ảo tất cả các phương thức.

Thí sinh được tư vấn kỹ càng ngành học trước khi nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.
Thí sinh được tư vấn kỹ càng ngành học trước khi nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Quyền lợi thí sinh có bị ảnh hưởng?

Điểm mới quan trọng trong kỳ tuyển sinh 2022 là Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển thay vì chỉ lọc ảo một phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như năm trước.

“Bởi thực tế nhiều trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ THPT từ tháng 2. Chưa kể nhiều trường cũng tổ chức các phương thức xét tuyển bằng kỳ thi riêng của mình và kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM  bắt đầu đợt 1 vào ngày 27/3. Do đó, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện xét tuyển thông qua một cổng chung của Bộ là khó khả thi và buộc các trường phải tính toán lại”, PGS.TS Đức Nghĩa nói.

Thay đổi này khiến nhiều trường và thí sinh băn khoăn. Câu hỏi đặt ra là liệu các thay đổi này có phù hợp với bối cảnh hiện nay? Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM - cho rằng: Phương thức này không chỉ tác động nhiều đến thí sinh, mà còn giúp các em có sự cân nhắc, lựa chọn nguyện vọng trúng tuyển một cách kỹ càng và tốt hơn. Tuy vậy, trong bối cảnh và đặc thù tuyển sinh của các trường sau dịch Covid-19 thì giải pháp trên sẽ khó hiệu quả và gây khó cho các trường.

Nếu khảo sát nguyện vọng của các trường khi xét tuyển bằng câu hỏi: “Xét tuyển có ảo và muốn giảm ảo hay không?” gần như 100% đều trả lời là có! Bộ GD&ĐT cũng rất quan tâm đến câu chuyện ảo và nỗ lực cùng các trường giải quyết “vấn nạn rất nóng” này. Tuy nhiên, giải quyết bằng cách nào lại là câu chuyện đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Bộ GD&ĐT dự kiến có những điều chỉnh “về mặt kỹ thuật” như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm phiền hà, đảm bảo công bằng giữa các thí sinh sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và giảm tình trạng thí sinh ảo là điều hết sức cần thiết.

“Nếu như phần mềm xét tuyển giúp thí sinh chọn ngành phù hợp trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển thì rất tốt, nhưng với điều kiện là thí sinh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng đúng và trúng. Với cách làm năm nay, hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT không chỉ cập nhật dữ liệu kết quả thi, mà còn cập nhật kết quả học tập lớp 10, lớp 11 và lớp 12 của thí sinh để các trường tiện sử dụng, rõ ràng mục đích cuối cùng hướng đến là chất lượng nguồn tuyển và sự ổn định trong tuyển sinh”, TS Lý nhận định.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - cũng nhìn nhận việc đưa tất cả phương thức vào một hệ thống lọc ảo chung sẽ không ảnh hưởng và hạn chế quyền lợi của thí sinh. Bởi nếu không đưa vào lọc ảo sẽ rất khó cho các trường trong việc dự phòng số lượng thí sinh ảo. Tuy nhiên phải đảm bảo được rằng các trường sẽ nhập đủ, đúng dữ liệu lên hệ thống.

“Tỷ lệ trúng tuyển ảo của các trường đại học tốp trên so với tốp giữa chênh lệch nhau từ 20% - 50%, tùy theo ngành. Giải pháp cho vấn đề trên là cần có nhiều kinh nghiệm để lọc ảo tốt hơn”, ThS Sơn nói.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Kiểm soát tổng chỉ tiêu tuyển sinh

Nhìn thẳng vào thực tế tuyển sinh 2 năm trở lại đây, TS Trần Đình Lý cho rằng: Những thay đổi của Bộ GD&ĐT hướng đến mục tiêu chất lượng. Bởi năm 2021 nhiều trường đồng thời sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành. Tuy vậy, tỷ lệ nhập học các phương thức khác thường diễn ra trước, trường nào tuyển được nhiều sẽ không còn bao nhiêu cho chỉ tiêu của phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường nào dành chỉ tiêu cao cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT thì phải điều chỉnh chỉ tiêu còn lại.

Bất cập ở chỗ, các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng theo quy định phải nhập dữ liệu lên hệ thống chung trước khi diễn ra việc lọc ảo cho phương thức tốt nghiệp (thường là phương thức cuối cùng) thì trường làm, trường không. Điều này dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn.

“Chính vì vậy mới có giải pháp về kỹ thuật được dự kiến điều chỉnh cho năm nay, với mong muốn khắc phục bất cập bảo đảm sự công bằng cho thí sinh và cho chính các trường, nhất là trường tuân thủ nghiêm túc quy chế”, TS Lý nói.

Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Lý cái khó là tại thời điểm này, nhiều trường đã công bố phương thức và thí sinh cũng đã đăng ký nguyện vọng khá nhiều, trong khi quy chế chính thức chưa ban hành nên những việc đã diễn ra lại khó khắc phục.

“Tôi cho rằng nếu dự kiến điều chỉnh có ý nghĩa này được ban hành sớm hơn sẽ tốt cho các bên liên quan. Tôi không đồng tình với một số quan điểm cho rằng Bộ “ôm” công việc của các trường trong bối cảnh tự chủ. Điều gì hợp lý sẽ tồn tại. Nên hiểu đây là cơ quan quản lý Nhà nước đang hỗ trợ các trường và 2 bên đang nhắm đến việc phục vụ tốt nhất cho thí sinh. Cần logic giữa chính sách và cách kỹ thuật để thực hiện”, TS Lý nhận xét.

Có chung góc nhìn, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - đánh giá Bộ GD&ĐT chủ trương sử dụng phần mềm lọc ảo chung cho các phương thức xét tuyển là hướng đi đúng khi những năm qua lượng thí sinh ảo có tên trúng tuyển vào Trường ĐH Lạc Hồng nói riêng và các trường đại học nói chung là rất lớn và có xu hướng tăng hàng năm. Do đó, nếu thực hiện tốt giải pháp này sẽ hạn chế được tình trạng ảo. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT phải kiểm soát được việc nhập đầy đủ và đúng dữ liệu trên hệ thống của các trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, phần mềm dùng để lọc ảo chung cần phải tính toán đến phương án trang thiết bị máy móc vì lượng thí sinh, phương thức xét tuyển, số lượng nguyện vọng rất lớn. Bên cạnh đó, giải pháp này chưa tính đến lượng thí sinh ảo do thay đổi nguyện vọng vào phút cuối để theo học các trường cao đẳng, trung cấp và đi du học. “Để giải quyết được triệt để các vấn đề trên cần khoảng thời gian nhất định. Đối với thí sinh, để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của mình cần xác định thật rõ số lượng nguyện vọng, phương thức xét tuyển và phải xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp”, PGS.TS Vũ Quỳnh lưu ý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.