Khi người nổi tiếng quảng cáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xem các clip quảng cáo do những người nổi tiếng thực hiện để rao bán các loại thuốc, 'uống vào là khỏi ngay', các bác sĩ đều lắc đầu ngao ngán.

Có người nói rằng, khi siêu sao người Argentina Lionel Messi bật nắp lon Pepsi và đưa lên miệng tu một hơi, hãng nước ngọt nổi tiếng ấy phải trả cho anh ta hàng triệu đô la Mỹ. Cũng với cái giá như thế, hãng dầu gội Clear Men đã phải trả cho siêu sao người Bồ Đào Nha - Cristiano Ronaldo khi anh thoa loại dầu gội này lên đầu mình!

Không chỉ quảng cáo nước ngọt và dầu gội đầu, các siêu sao này còn tham gia quảng cáo cho các sản phẩm thời trang như quần áo, giày dép... với số tiền khổng lồ.

Người tiêu dùng, vì mến mộ tài năng của các danh thủ bóng đá này mà... tiêu thụ các sản phẩm do họ quảng cáo. Doanh thu từ các hãng sở hữu sản phẩm vì thế mà tăng lên. Cả đôi bên cùng có lợi, còn với người tiêu dùng, nếu vì yêu mến cả người quảng cáo lẫn sản phẩm được quảng cáo mà mua về dùng, nếu không có lợi thì cũng vô hại.

Dù rất đắt show nhưng những người nổi tiếng nói trên chẳng bao giờ quảng cáo một cách bừa phứa, phần vì họ biết “giữ giá” hình ảnh của mình, phần vì hiểu những tác hại khôn lường nếu như sản phẩm mà họ quảng cáo sẽ mang lại những rủi ro cho người tiêu dùng, nhất là các loại thuốc chữa bệnh và các loại thực phẩm chức năng.

Trớ trêu thay, ở Việt Nam, một số người nổi tiếng đã không hành xử như vậy khi tham gia quảng cáo, nhất là cho các hãng tân dược hoặc các loại thực phẩm chức năng.

Một thói quen đã ăn vào máu thịt của không ít người là khi đã yêu mến một người nổi tiếng nào đó thì cái gì thuộc về người ấy, tất tật đều tốt. Vì vậy, nếu người nổi tiếng ấy nói trên tivi hoặc mạng xã hội rằng loại sản phẩm đó dùng 4 liều là “đánh bay” tiểu đường, hoặc chỉ cần dùng 10 hộp thuốc hoặc thực phẩm chức năng là bệnh gút, bệnh xương khớp sẽ khỏi... là tin ngay.

Những người nổi tiếng đã chứng minh bằng “hình ảnh thực tế” từ các clip, y như thật thì làm sao mà không tin cho được? Các khớp gối và ngón chân đang đỏ tấy lên, nhức nhối đi lại không được, ấy vậy mà người nổi tiếng nọ chỉ uống vài liều đã đi lại nói cười vui vẻ... trên tivi thì hẳn nhiên là thần dược rồi. Thế là nhắm mắt mua ngay. Mua sản phẩm kiểu như vậy là mua sự yêu thích, mua lòng tin của chính mình chứ không phải là mua thuốc.

Xem các clip quảng cáo do những người nổi tiếng thực hiện để rao bán các loại thuốc tân dược, “uống vào là khỏi ngay”, các bác sĩ đều lắc đầu ngao ngán. Hàng nghìn bộ óc siêu việt trên khắp thế giới, chuyên nghiên cứu làm thế nào để chữa dứt điểm bệnh thận mạn tính, bệnh cao huyết áp không rõ nguyên nhân, bệnh gút luôn gây đau đớn cho con người... mà vẫn thúc thủ trước những bài toán không tìm ra lời giải ấy. Thế mà có loại thuốc uống 4 - 5 liều là dứt điểm các bệnh ấy ngay, quảng cáo như vậy khác nào tiếp tay cho lừa đảo.

Chúng ta chia sẻ với các nghệ sĩ, các cầu thủ bóng đá và những người nổi tiếng trên các lĩnh vực khác về việc kiếm tiền của họ nhưng những đồng tiền kiếm được phải là những đồng tiền sạch. Kiếm tiền từ quảng cáo thuốc “quá lố” như vẫn thường xuất hiện trên tivi hoặc mạng xã hội là tiền không sạch vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ