Loài oarfish khổng lồ (còn được gọi là cá mái chèo, tên khoa học Regalecus glesne) được nói đến lần đầu tiên vào năm 1772, nhưng hiếm khi lộ diện vì chúng sống dưới đáy sâu của đại dương - ở độ sâu 1.000m so với mực nước biển.
Cá khổng lồ Oarfish là loài sống lâu đời nhất được biết đến trong các loài cá có xương, có chiều dài lên tới 17m và có thể nặng tới 270kg.
Oarfish có ngoại hình giống như sợi ruy-băng, phần thân ngang khá mỏng cùng vây lưng chạy dọc theo toàn bộ chiều dài thân. Chính bởi chiều dài "khủng" cùng phần vây đỏ đặc biệt nên nhiều người gọi loài cá này là rắn biển khổng lồ, hay "rồng biển".
Phần vây ngực của cá thường mập, vây chậu có hình mái chèo dài. Màu sắc của cá thường là màu bạc với những mảng đen và vây màu đỏ.
Cá Oarfish không có vây, nhưng khoác chiếc áo màu bạc có chứa chất hóa học guanine - loại chất có nhiều trong vây của một số loài cá. Mặc dù chúng thích nghi để tồn tại dưới áp lực cao nhưng phần da cá Oarfish rất mềm mại và dễ bị tổn thương.
Dù có thân hình "khổng lồ" nhưng cá Oarfish không có răng mà thường bắt mồi bằng mang. Theo đó, chúng hút nước vào miệng, thải nước qua mang, lọc giữ lại những thức ăn nhỏ. Thực phẩm ưa thích của cá Oarfish là các loài nhuyễn thể hoặc giáp xác nhỏ như cá nhỏ hay mực ống.
Oarfish là nguồn cảm hứng vô tận của các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về những quái vật biển kỳ dị bởi hình dáng gớm ghiếc và khổng lồ của chúng như những con rắn biển, rồng biển.
Một nhóm nghiên cứu ở New Zealand cho rằng, Oarfish còn sống có khả năng phát ra dòng điện có cường độ cao.
Da cá Oarfish không có vảy. Thay vào đó, lớp da được bọc một lớp "áo" mỏng màu bạc. Da mỏng, thịt mềm, nhưng điều kinh ngạc là chúng lại chịu được môi trường áp lực khủng khiếp ở độ sâu 1.000m.
Người Nhật Bản tin rằng, cá Oarfish xuất hiện ở bãi biển báo hiệu thế giới sẽ hứng chịu những trận động đất khủng khiếp. Các chuyên gia cho rằng, do sống gần đáy biển nên chúng nhạy cảm hơn với những chuyển động của đất so với những loài sống gần mặt biển. Tuy nhiên, việc loài cá này có khả năng dự báo động đất hay không vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được.