Loại dần yếu tố phản cảm trong mùa lễ hội 2017

GD&TĐ - Mùa lễ hội 2017 đã cận kề, làm thế nào để xóa bỏ những hủ tục, những vấn đề phản cảm trong lễ hội để lễ hội thực sự trở thành một hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời là một “điểm đến” cho du khách mỗi khi Tết đến, Xuân về là nỗi trăn trở của những nhà văn hóa.

Loại dần yếu tố phản cảm trong mùa lễ hội 2017

Nỗ lực giảm bớt bạo lực

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội trong thời gian tới.

Tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ), Ủy ban Nhân dân huyện cũng đã tổ chức Hội thảo nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại Lễ Cầu Trâu, xã Xuân Quang, Hương Nha. Tại Hội thảo này, Ban tổ chức lễ hội khẳng định khi tổ chức lễ hội trong thời gian tới cũng đã nhất trí không tổ chức đập đầu trâu cho đến chết mà sẽ thay thế bằng hình thức khác phù hợp.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, tổ chức hội thảo, trao đổi trực tiếp với người dân tại cơ sở bàn về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt là bàn về các giải pháp thay đổi tục “hiến sinh” trong lễ hội nhằm đảm bảo phù hợp xã hội hiện tại; đã chỉ đạo các địa phương rà soát các lễ hội có tục “hiến sinh”, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong lễ hội, loại bỏ những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp. Đồng thời, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của người dân, nhà quản lý, các nhà khoa học để tìm các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, giảm bớt những tập tục không còn phù hợp.

Cần những thay đổi phù hợp

Theo các nhà văn hóa, những hoạt động văn hóa nếu không đưa tới giá trị nhân văn, khơi dậy tình thương yêu và sự cao thượng, ngược lại còn nặng tính sát thương, hơn thua... thì cần chấn chỉnh, loại bỏ để trả lại bầu không khí trong lành cho sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng.

GS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng, trước khi nhìn nhận các lễ hội như chém lợn ở Bắc Ninh, chọi trâu Đồ Sơn, đâm trâu tại Tây Nguyên... cần lưu ý về cội nguồn của các tục lệ này. Cần có những chương trình nghiên cứu bài bản và sâu hơn về hệ thống lễ hội truyền thống của nước ta hiện nay, để tìm được giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu của hội nhập quốc tế cũng như sự thay đổi của xã hội hiện đại, những gì không còn phù hợp, cụ thể hơn là các hành vi, hình ảnh bạo lực, lộn xộn và phản cảm ở từng lễ hội mà chúng ta đang tìm giải pháp rất cần được xem xét, điều chỉnh...

TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, chính “sự đứt gãy”, gián đoạn một thời gian dài không tổ chức đã khiến cho sự quay lại của các lễ hội - di sản trong đời sống cộng đồng bị thiếu các nghiên cứu, đối chiếu với những cứ liệu lịch sử. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho từng di sản trở nên lúng túng. “Trong quá trình nghiên cứu và tìm hình thức thay đổi, cần lưu ý đừng bắt di sản quay lại hoàn toàn với quá khứ mà cơ bản là giữ được những giá trị cốt lõi, phù hợp với nhu cầu cộng đồng. Bên cạnh đó cộng đồng cũng cần chấp nhận những thay đổi như một lẽ tự nhiên, bởi không có một di sản nào bất biến…”.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp vào cuộc từ các địa phương, hy vọng mùa lễ hội 2017 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ