Các nhà khoa học Anh phân tích lực cắn của 434 loài còn sống và đã tuyệt chủng. Họ phát hiện chim sẻ đất Galapagos có lực cắn khỏe nhất so với kích thước cơ thể.
Chim sẻ đất Galapagos chỉ dài 12 cm, bằng kích thước một chiếc răng của khủng long bạo chúa T-Rex. Nhưng loài chim này cắn mạnh gấp 320 lần quái vật khủng long nặng 8 tấn, theo Long Room.
Chim sẻ đất Galapagos. (Ảnh: New Horizons). |
Chiếc mỏ dày của chim sẻ có thể tạo ra lực cắn ấn tượng là 71 newton, cho phép nó cắn vỡ các loại hạt và nghiền nát hột. Loài chim này đã rèn luyện sức mạnh của chiếc mỏ trong gần một triệu năm. "T-Rex, vua của các loài khủng long, sẽ không thể đọ sức với chim sẻ trong một cuộc chiến, nếu chúng có cùng kích thước", tiến sĩ Chris Venditti ở Đại học Reading, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.
"Hình ảnh T-Rex với bộ hàm đáng sợ góp phần biến nó thành loài khủng long tiêu biểu nhất, nhưng nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra lực cắn của nó tương đối bình thường. Lực cắn không phải là yếu tố đem lại cho T-Rex lợi thế tiến hóa như suy đoán trước đây.
Những loài ăn thịt lớn như T-Rex có thể tạo ra lực cắn đủ để giết chết con mồi và nhai nát xương nhưng chúng không có lực cắn mạnh tương ứng với kích thước", Tiến sĩ Manabu Sakamoto ở Đại học Reading, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Proceedings of Royal Society B cũng cho thấy trí thông minh của con người có thể khiến chúng ta sở hữu lực cắn yếu so với những động vật khác. Bộ não lớn chiếm nhiều diện tích trong đầu, choán chỗ dành các cơ quan trọng cho việc cắn.
Nhóm nghiên cứu kết luận lực cắn của phần lớn động vật phát triển tương ứng với thay đổi về kích thước cơ thể do tiến hóa.
"Sau khi chúng ta biết nấu ăn, lực cắn trở nên kém quan trọng hơn. Đổi lại, chúng ta phát triển nồi niêu làm thức ăn dễ nuốt hơn. Nghiên cứu này có sự tương đồng với những nghiên cứu chứng minh con người nhai thức ăn ít hơn các động vật khác", tiến sĩ Sakamoto nói.