Loài chim nửa tấn nghi bị con người tàn sát đến tuyệt chủng

GD&TĐ - Những bộ xương của loài chim voi cao ba mét, nặng 500 kg tìm thấy trên đảo Madagascar có vết cắt và chặt do thợ săn tiền sử để lại.

Loài chim nửa tấn nghi bị con người tàn sát đến tuyệt chủng

Nhóm nhà khoa học do Hiệp hội Động vật học London (ZSL) đứng đầu nghiên cứu bộ xương của hai loài chim khổng lồ phát hiện trên đảo Madagascar ở Ấn Độ Dương, Fox News hôm qua đưa tin. Chim Aepyornis và Mullerornis là hai chi loài của chim voi, cao ba mét và nặng tới 500 kg.

Những bộ xương được tìm thấy năm 2009 ở di chỉ bên sông Christmas tại Madagascar. Dấu vết cắt và vết nứt gãy trên xương chắc chắn do thợ săn tiền sử để lại, theo các chuyên gia. Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, nhóm nghiên cứu nhận thấy chim voi bị tàn sát cách đây khoảng 10.500 năm.

Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng bởi nghiên cứu trên xương đùi và đồ tạo tác khác chỉ ra con người tới Madagascar lần đầu tiên 2.400 - 4.000 năm trước. Phát hiện xương bị chặt do đó cho thấy con người đến đảo sớm hơn nhiều so với suy đoán trước đây. Các nhà khoa học xuất bản nghiên cứu trên tạp chí Science Advances.

Các nhà nghiên cứu khai quật xương chim voi ở di chỉ bên sông Christmas, Madagascar. Ảnh: BBC.

Nghiên cứu mới cũng làm dấy lên tranh luận liệu con người có phải thủ phạm gây ra sự tuyệt chủng của chim voi hay không.

"Chúng ta đã biết hệ động vật ở Madagascar gồm chim voi, hà mã, rùa và vượn cáo khổng lồ bị tuyệt chủng cách đây chưa đầy 1.000 năm. Có vài giả thuyết về lý do điều này xảy ra, nhưng mức độ liên quan của con người vẫn chưa được làm rõ", tiến sĩ James Hansford ở Viện Động vật học của ZSL, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

 Theo kết quả nghiên cứu, con người có thể cùng chung sống với với chim voi trong cả thiên niên kỷ.

"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng con người hoạt động ở Madagascar sớm hơn 6.000 năm so với suy đoán.  Con người dường như đã chung sống với chim voi và các loài ngày nay đã tuyệt chủng trong hơn 9.000 năm, và ít gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái trong phần lớn khoảng thời gian này", tiến sĩ Hansford nói.

Quả trứng chim voi bên cạnh trứng gà bình thường. Ảnh: BBC.

Quả trứng chim voi bên cạnh trứng gà bình thường

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp về loài người ở Madagascar thời kỳ đầu.

"Chúng tôi biết vào cuối kỷ Băng hà, khi loài người chỉ sử dụng công cụ, có một nhóm người đã tới Madagascar. Chúng tôi không rõ nguồn gốc của họ cho tới khi tìm được thêm bằng chứng khảo cổ, nhưng chúng tôi biết không có bằng chứng di truyền của họ ở người hiện đại. Câu hỏi còn bỏ ngỏ là những người này là ai? Họ biến mất khi nào và tại sao?", giáo sư Patricia Wright ở Đại học Stony Brook, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.

Đầm lầy, nơi tìm thấy xương chim voi, chứa số lượng lớn xác động vật cổ đại. Các chuyên gia suy đoán đây có thể là một bãi giết mổ lớn mà người tiền sử dùng để tàn sát con mồi. Đầu năm nay, Bảo tàng Khoa học Buffalo ở New York, chia sẻ hình ảnh quả trứng chim voi trong bộ sưu tập bị dán nhãn nhầm suốt nhiều thập kỷ.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ